Cây hồng môn
Tên khoa học: Anthurium
Họ: Araceae
Tên gọi khác: môn hồng, vĩ hoa tròn, buồm đỏ
Xuất xứ: Có nguyên xuất từ Colombia và Ecuador.
Khoảng 600 – 800 ( có thể 1.000 ) loài phân bố ở vùng Trung và Nam Mỹ.
Có 3 loại chính là: Đại hồng môn, trung hồng môn và tiểu hồng môn. Trong đó, đại hồng môn là loại hoa được ưa chuộng nhiều nhất.
Hồng môn là loại cây rất dễ trồng và chăm sóc
1. Đặc điểm hình thái của cây hồng môn
- Là loại cây sống lâu năm, mọc thành bụi.
- Thuộc cây thân thảo, ngắn.
- Lá cây lớn, dạng bầu dục, đầu thuôn nhọn còn phần gốc hình tim. Lá mọc tập trung ở trên mặt đất. Cuống lá dài rủ xuống. Lá có màu xanh bóng, gân chân vịt màu xanh nhạt nổi bật lên trên.
- Hoa hồng môn mọc thành cụm dạng mo trên một cuống chung dài và cong. Mo màu đỏ tươi, hình bầu dục đầu nhọn, gốc tim, nổi rõ gân xanh. Cụm hoa cong màu vàng nhạt.
- Quả mọng.
2. Những yêu cầu về điều kiện sinh thái để cây hồng môn phát triển tốt nhất
2.1. Yêu cầu về nước
- Muốn cây hồng môn không những sinh trưởng tốt mà còn đảm bảo thẩm mỹ thì chế độ nước rất quan trọng. Nếu lá cây bị vàng, nhạt màu hay bị cháy thì cần phải xem lại nguyên nhân là gì; do tưới quá nhiều nước cho cây hay đất quá khô. Từ đó biết mà điều chỉnh lượng nước cho phù hợp, đảm bảo độ ẩm 70 – 80%.
2.2. Yêu cầu về nhiệt độ
- Hồng môn thích hợp với nhiệt độ trong khoảng từ 15 – 30 độ C. Nếu thấp hơn 15 độ C thì cây sẽ chậm phát triển; nếu cao hơn 30 độ C thì cây sẽ bị vàng lá hoặc thối rễ, lúc đó, cần tìm biện pháp tránh nóng cấp tốc cho cây.
2.3. Yêu vầu về đất trồng
- Đất trồng hồng môn phải là loại đất có chứa nhiều chất dinh dưỡng, luôn đảm bảo độ tơi xốp. Có thể trộn thêm phân chuồng hoặc các loại mùn để đảm bảo tốc độ sinh trưởng của cây.
2.4. Yêu cầu về ánh sáng
- Khi trồng loại hoa này, cần phải làm giàn để giảm độ sáng. Có thể dùng cọc gỗ, cọc tre để làm cột và phủ lưới đen lên trên. Giàn cần có độ cao khoảng 2 – 2.5m so với mặt đất.
2.5 Yêu cầu về dinh dưỡng
- Sau khi trồng được 50 – 60 ngày, đã có thể tưới nước phân, nước tiểu có nồng độ từ 1/10 – 3/10 tùy theo kích thước lớn nhỏ của cây. Mỗi tuần tưới 1 lần.
- Ngoài ra, có thể bón thêm phân NPK tổng hợp, phân chồng, phân hữu cơ dạng viên cho cây. Với những loại phân bón này, nên khoảng 5 – 6 tháng mới bón 1 lần.
2.6. Yêu cầu về cắt tỉa cây
- Muốn cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều lá và hoa thì cần phải thường xuyên cắt tỉa, làm sạch cỏ dại để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Làm sạch cỏ ở phần gốc cây, xới và làm cho đất tơi xốp. Cắt bỏ những càng khô héo, lá vàng,…
3. Các loại sâu bệnh hại thường gặp
Một số loại bệnh mà hồng môn thường gặp đó là virus xoắn lá, thối củ, thối gốc và thối thân.
- Với bệnh virus xoắn lá, nó khiến lá cây bị xoắn lại, không có khả năng cho ra hoa; vì thế cần phải loại bỏ những cây bị bệnh vì chúng không còn khả năng ra hoa, bệnh này cũng dễ lây lan nên cần bỏ ngay để không làm ảnh hưởng đến những cây khác.
- Còn với các trường hợp thân, gốc và củ hoa hồng môn bị thối là do đất bị ẩm ướt, môi trường sống không đảm bảo độ thông thoáng. Chính vì vậy, nên chú ý dọn sạch, tỉa bớt lá già, làm sạch cỏ để tạo độ thông thoáng, duy trì độ ẩm, ánh sáng để hạn chế phát bệnh.
4. Ý nghĩa của hoa hồng môn
Hồng môn - loại cây phong thủy rất tốt
- Cây hồng môn mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Xét về màu sắc, màu hoa đỏ đem lại sự nồng ấm, nhiệt tình, màu xanh của lá chính là màu hy vọng.
- Có quan điểm cho rằng, hoa hồng môn có sự biến chuyển màu sắc từ đỏ, cam đến màu cam nhạt chính là đại diện cho vòng đời của con người từ lúc sinh ra, trưởng thành, già cỗi và mất đi.
- Cũng có quan niệm cho rằng, hoa của loài cây này có hình trái tim nên dù cho có màu sắc gì thì vẫn là biểu tượng cho một tình yêu thương bền vững. Đối với người dân Hawai thì hoa hồng môn còn là biểu trưng cho sự hiếu khách.
- Trong phong thủy, hoa hồng môn mang lại may mắn, tài lộc và thịnh vượng cho gia chủ. Rất phù hợp với người mệnh Hỏa và mệnh Thổ.
Hiện nay, cây được trồng làm cây để bàn, trang trí trong nhà, phòng khách, văn phòng làm việc,…