Sự tích cây dưa hấu
Ngày xửa, ngày xưa đời vua Hùng thứ 17, đất nước ta có núi cao, có sông rộng, nhưng đồng ruộng thưa thớt, hoa quả chưa có nhiều thứ thơm vật lạ. Vua Hùng có một người con nuôi tên là Mai An Tiêm có tài tháo vát và có trí hơn người. Thuở nhỏ, Mai An Tiêm là cậu bé thông minh, lanh lẹ. Lớn lên, Mai An Tiêm khỏe mạnh, chăm chỉ làm việc, lại khéo tay biết làm nhiều việc, nên được Vua Hùng quý mến và gả con gái nuôi làm vợ. Thời gian sau, vợ chồng Mai An Tiêm đã xây cất được nhà cửa khang trang, thóc gạo đầy nhà. Thấy thế, bọn người ganh tỵ tâu với Vua Hùng: “An Tiêm coi thường ơn vua. Hắn cho rằng của cải làm ra đều là nhờ ơn Trời và tài sức của hai vợ chồng hắn với các con”. Vua Hùng nghe tin giận lắm, liền truyền lệnh đầy cả gia đình Mai An Tiêm ra một hòn đảo hoang vắng ở biển đông. (vùng biển Nga Sơn – Thanh Hóa)
Người vợ là nàng Ba lo sợ sẽ phải chết ở ngoài cù lao cô quạnh, nhưng An Tiêm thì bình thản nói: “Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì phải lo”.
Hai vợ chồng An Tiêm cùng đứa con đã sống hiu quạnh ở một bãi cát, trên hoang đảo. Họ ra sức khai khẩn, trồng trọt để kiếm sống. Một ngày kia, vào mùa hạ, có một con chim lạ từ phương tây bay đến đậu trên một gò cát. Chim nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, thì hạt nẩy mầm, mọc dây lá cây lan rộng.
Cây nở hoa, kết thành trái to. Rất nhiều trái vỏ xanh, ruột đỏ. An Tiêm bảo vợ: “Giống cây này tự nhiên không trồng mà có tức là vật của Trời nuôi ta đó”. Rồi An Tiêm hái nếm thử, thấy vỏ xanh, ruột đỏ, hột đen, mùi vị thơm và ngon ngọt, mát dịu. An Tiêm bèn lấy hột gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều.
Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao. Mọi người lên bãi cát, thấy có nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm Rồi từ đó, tiếng đồn đi là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng và thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu.
Vì chim đã mang hột dưa đến từ phương Tây, nên An Tiêm đặt tên cho thứ trái cây này là Tây Qua. Người Tàu ăn thấy ngon, khen là “hẩu”, nên về sau người ta gọi là Dưa Hấu
Ít lâu sau, vua sai người ra cù lao ngoài biển Nga Sơn dò xét xem gia đình An Tiêm ra làm sao, sống hay chết. Sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, nhà vua ngẫm nghĩ thấy thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong triều đình.
An Tiêm đem về dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hạt dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng. Hòn đảo mà An Tiêm ở, được gọi là Châu An Tiêm.
-
Những điều cần biết về đặc điểm sinh thái và yêu cầu dinh dưỡng khi trồng cây dưa hấu
Điều kiện khô ráo thuận lợi cho cây dưa hấu phát triển tốt. Giai đoạn ra quả và phát triển quả, cây cần được cung cấp đủ nước,...
-
Một số kinh nghiệm để tăng năng suất và chất lượng dưa hấu vụ xuân hè
Dưa hấu vụ xuân hè ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng sinh trưởng, phát triển trong giai đoạn từ tháng 2, tháng 3 đến tháng 5, tháng 6 dương...
-
Những điều cần lưu ý khi ăn dưa hấu
Dưa hấu là loại quả được rất được ưa thích, đặc biệt là vào lúc thời tiết nóng bức mùa hè bởi khả năng cũng cấp nước, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiện, không phải lúc nào dưa hấu cũng bổ và có lợi...