Sản xuất, chế biến và sử dụng thuốc BVTV từ thảo mộc và sinh học - P1
Vai trò của biện pháp sinh học trong bảo vệ thực vật hiện nay
Dưới áp lực của yêu cầu sản xuất tối đa sản phẩm nông nghiệp, giảm giá thành và giảm ô nhiễm môi trường, chúng ta cần phải chuyển hướng hoặc tăng cường sử dụng các biện pháp sinh học một cách có hệ thống. Đó là việc chọn cây trồng, hệ thống luân canh cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đa dạng thiên nhiên và nắm bắt được các kỹ thuật khác.
Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng nông lâm nghiệp theo định hướng tăng cường sử dụng các tác nhân sinh học và chế phẩm có nguồn gốc thảo mộc là một hướng nghiên cứu ứng dụng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.
Biện pháp sinh học cho ta biết được việc sử dụng các tác nhân phòng trừ sinh học, nguyên lý tác động của cơ thể sống hoặc siêu vi trùng (gọi là ký sinh thiên địch) để điều chỉnh mật độ của sâu hoặc sinh vật gây bệnh.
Có nhiều cách để sử dụng biện pháp sinh học, bao gồm:
Sử dụng ký sinh thiên địch chuyên tính, thường là ký sinh.
- Sử dụng các ký sinh thiên địch không chuyên tính, thường là các loài ăn thịt sâu hại.
- Biện pháp khử đực làm cho sâu hại không thể sinh sản được.
- Sử dụng vi sinh vật có ích.
- Biện pháp dẫn dụ giới tính để phòng trừ sâu hại.
Biện pháp sinh học trong IPM giúp cho việc loại bỏ một số nhược điểm của các biện pháp hóa học thường dùng trước đây. Ưu điểm của biện pháp vi sinh vật gồm:
- Ngăn chặn sự phát triển tính kháng trong quần thể sâu bệnh, cỏ dại. Giảm bớt hoặc giảm hoàn toàn sử dụng thuốc hóa học, giữ được quần thể sâu hại phát triển ở mức thấp nhất, tránh bộc phát thành dịch.
- Bảo vệ được các côn trùng có ích và các vi sinh vật có ích khác, hạn chế sâu bệnh thứ cấp trở thành sâu bệnh chính.
- Bảo vệ được sức khỏe con người và tránh ô nhiễm môi trường.
Hướng dẫn sử dụng thuốc thảo mộc
(Cây Derris, cây xoan ta, cây thuốc lá)
Từ xa xưa, con người đã biết khai thác, sử dụng những cây hoang dại có độc tính để săn bắn, ruốc cá. Dần dần còn biết trừ chấy rận, rệp, bọ hại người và gia súc. Hơn 300 năm trước đây, từ những năm 1660 người ta đã bắt đầu biết khai thác những hợp chất thiên nhiên để trừ sâu hại bảo vệ mùa màng.
Ở Việt Nam đã tập hợp được danh sách 53 loài cây độc ở 10 tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều cây triển vọng chế biến và sử dụng làm thuốc trừ sâu. Đã phát hiện được các loài cây độc: dây mật (ruốc cá), thàn mát, xoan ta, thanh hao hoa vàng, hạt na, hạt củ đậu có hiệu lực trừ sâu cao (từ 70-100%) đối với một số loài sau chính hại rau và các cay trồng khác.
1. Cây DERRIS SPP. (cây dây mật, thuốc cá)
Đã phát hiện được 4 loài Derris, cây Derris có 3-13 lá chét phụ thuộc vào từng loài.
1.1. Thời vụ gieo trồng
Miền Bắc từ tháng 1-4, miền Nam từ tháng 4-6.
1.2. Quy trình nhân giống
Cây thuốc cá
+ Giai đoạn vườn ươm: Kéo dài 4-6 tuần, hom giống được xử lý 2,4 D amine trước khi ngâm. Đất giâm phù hợp là đất cát pha, cần che nắng, giữ ẩm.
+ Giai đoạn trồng: Từ sau giâm tới khi thu hoạch kéo dài 17-23 tháng. Đất thích hợp là cát pha và thịt nhẹ. Khi trồng có thể bổ luống hoặc bổ hốc đại trà. Kích thước: hàng cách hàng 70x70cm, cây cách cây 60x60cm. Trong 1-2 tháng đầu cần che nắng và giữ ẩm cho cây.
- Kỹ thuật chăm sóc: Trong năm đầu thiết kế vườn Derris, nếu đất quá xấu có thể bón 5-7 tấn phân chuồng và 30-40kg urê/ha.
- Kỹ thuật thu hoạch: Thu hoạch rễ cây có thể nhổ như thu hoạch sắn, đối với đất cát pha hoặc cây lật và nhặt rễ. sau khi thu hoạch phải đưa ngay vào chỗ râm mát và hong khô ở nhiệt độ không quá 600C. cuối cùng rễ được chặt nhỏ 2-3cm để bảo quản.
Năng suất từ 1,8-2,5 tấn rễ khô/ha, hàm lượng Rotenon (chất diệt sâu) dao động từ 2,0-5,5%.
- Chế biến Derris: có 2 phương pháp:
+ Dạng dung dịch: Ngâm kiệt và lọc lấy nước pha loãng có thêm chất bám dính và phun.
+ Dạng bột thấm nước: Rễ sau khi hong khô đem nghiền nhỏ. Bột rễ có thể trộn với chất phụ gia, chất bám dính hoặc không.
1.3. Sử dụng Derris trừ sâu hại (Rotec 5%)
- Có thể sử dụng để trừ sâu tơ, hiệu lực đạt 70-80%. Có thể sử dụng hỗn hợp với một phần nhỏ thuốc hóa học (như Sherpa...) để trừ sâu ba ba hại rau muống.
- Trừ rầy xanh hại chè đạt 70%, liều lượng 150g AI/ha. Có thể sử dụng hỗn hợp Derris + Trebon (hoặc Padan, hoặc Apllaud), tỷ lệ 100-150g Rotenon/50g thuốc hóa học (tính theo AI).
- Trừ rệp, rệp hại bông cho hiệu quả trung bình 70-80%. Ngoài ra nó còn có tác dụng làm chậm khả năng tái phát của rầy, rệp trên bông.
- Thuốc Rotec (sản phẩm của Derris) không độc đối với bọ rùa, ong mắt đỏ và các loại khác.
1.4. Cách sử dụng sản phẩm đã chế biến dạng bột
- Có thể sử dụng để trừ sâu nhóm chích hút, ăn lá, trên các cây trồng như lúa, rau, cây ăn quả.
- Lượng dùng: 5-7kg/ha tùy theo đối tượng sâu.
- Cách dùng: Cho bột thuốc vừa đủ dùng vào xô hay chậu, quấy đều cho vào bình và phun lên cây.
Lượng nước: 400-500 lít pha.
- Bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao, đựng trong bình kín.
2. Cây xoan ta (cây xoan đâu) Melia azedarach L.
2.1. Các dạng sản phẩm từ cây xoan (bộ phận lá, quả)
- Dạng dung dịch: Lá xoan khô được ngâm với nước trong 24 giờ, tỷ lệ 1kg lá khô/10 lít nước. Sau đó vò nát và lọc lấy dung dịch chiết. Khi sử dụng dịch chiết được bổ sung 01% xà phòng hay 0,005% Saliman.
- Dạng bột: Quả xoan già nhưng chưa chín được phơi khô và nghiền nhỏ thành bột. Bột nghiền được pha thêm 5% Saliman và đem dùng.
Cây xoan ta (xoan đâu)
2.2. Sản phẩm đã pha chế sẵn
- Thành phần: Bột lá xoan 1kg + 5g Saliman.
- Công dụng: Trừ rệp rau và các loại sâu khác.
- Hướng dẫn sử dụng: Dùng 28kg bột lá xoan/ha (1kg bột lá xoan x 10 lít nước, ngâm 24 giờ). Sau đó lọc kỹ và pha thêm 10 lít nước và 5g Saliman hoặc bột xà phòng.
- Phun cho 1 sào Bắc bộ (360m2), vào buổi chiều mát.
- Thuốc ít độc với người và côn trùng có ích.
2.3. Hiệu lực trừ sâu
- Trừ sâu cuốn lá, rệp, sâu khoang, sâu xanh, sâu tơ đạt trung bình 50-60%. Nếu pha hỗn hợp với thuốc hóa học (như Padan..) có thể tăng hiệu lực tới 80-90%.
- Hiệu lực trừ sâu từ trung bình đến khá ở thời điểm 3-5 ngày sau phun.
- Trong 2 dạng chế phẩm thì dạng dịch chiết lá có hiệu lực trừ sâu cao hơn so với dịch chiết quả.
- Có thể sử dụng lá tươi, giã nhỏ, lọc lấy nước và pha với nước theo tỷ lệ như trên, có thể dùng 1-3kg lá cho 20 lít nước tùy theo đối tượng sâu hại.
3. Cây thuốc lào, thuốc lá (Nicotina rustica và N. tabacum)
3.1. Phương pháp chế biến
Các lá loại 3-4 của cây thuốc lào, thuốc lá được ngâm trong 24 giờ theo tỷ lệ 1kg lá thuốc được ngâm trong 20-40 lít. Nghiền nhỏ và lọc lấy nước rồi đem phun cho cây.
Thuốc BVTV chế biến từ thuốc lá, thuốc lào
3.2. Đối tượng sử dụng
Các loại cây đều có thể sử dụng được, ví dụ: lúa (trừ bọ trĩ, sâu đục thân, bọ xít dài, cuốn lá nhỏ), ngô (rệp ngô), đậu tương (rệp), rau muống (sâu khoang, sâu ba ba), rau họ thập tự (rệp cái, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng), táo (sâu khoang), cam chanh (nhện đỏ).
- Có thể sử dụng hỗn hợp với thuốc hóa học để trừ sâu như Sumicombi 30EC, Ofunack 40EC, Danitol-S 50ES, với liều lượng pha thêm khoảng 1/4 so với khuyến cáo.
4. Hạt củ đậu
Cây củ đậu (tiếng Anh là Yam bean) có tên khoa học là Pachyrhizus erossus Urb. Cây củ đậu được nông dân trồng từ lâu đời trên hàng ngàn ha. Củ là loại thực phẩm phổ biến, ăn tươi rất mát, có tác dụng giải khát tốt vì củ đậu có nhiều nước, tinh bột và vitamin và có thể chế biến làm nhiều món ăn khác.
Hoa và quả cây củ đậu (hạt củ đậu dùng làm thuốc BVTV)
Tuy nhiên hạt của cây củ đậu lại rất độc, nên khi trồng người nông dân không để cây ra quả, vừa để tránh độc, vừa để tăng năng suất, chất lượng củ. Chỉ có những nơi chuyên cung cấp giống mới để cây ra hoa và lấy hạt.
Đến nay người ta đã biết trong hạt củ đậu ngoài các chất thông thường như nước, đường bột, chất béo, protit, vitamin... còn có các độc tố loại rotenoids: Pachyzhizion, rotenone, tephrosin, muduserone và một số độc tố khác chiếm khoảng 3% trọng lượng hạt. Các chất này đều có khả năng trừ sâu tốt.
Các mẫu chế phẩm từ hạt củ đậu (Pachyrhizus erossus)
Nhân dân các nước Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ... thường có tập quán dùng hạt củ đậu để trừ ve, rận... cho các vật nuôi hoặc sâu hại cây trồng (rệp...). Ngày nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang nghiên cứu sử dụng hạt củ đậu để sử dụng thuốc trừ sâu. Viện Bảo vệ thực vật cũng đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm sử dụng hạt củ đậu để phòng trừ sâu hại cây trồng và bước đầu đã hướng dẫn nông dân tự sản xuất, chế biến và áp dụng để phòng trừ sâu hại.
4.1. Các đối tượng phòng trừ
- Chế phẩm hạt củ đậu có thể dùng để trừ các loại sâu hại rau:
+ Rau họ thập tự (cải các loại...): Sâu tơ (Plutella xylostella), sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), rệp (Aphid), bọ nhảy (Phyllotreta vittata).
+ Trên ra muống: Sâu ba ba (Taiwania circumdata).
+ Trên các cây khác: Bọ xít đùi to (Mictis tenbrosa Fabricius), bọ nẹt (Scopelodes).
- Đối với sâu có ích: Chế phẩm hạt củ đậu ít độc hại với loài sâu có ích.
- Đối với chuột bạch, biểu hiện độc rất nhẹ hoặc không gây ngộ độc cho chuột.
4.2. Các chế phẩm trừ sâu từ hạt củ đậu
- Chế phẩm dạng nước: Chế phẩm là dung dịch chiết từ hạt củ đậu, dùng các dung môi hữu cơ chiết các độc tố từ bột hạt củ đậu, thêm các chất phụ gia, nhũ hóa, bám dính, chất bảo quản rồi đóng chai chế phẩm. Chế phẩm này tiện sử dụng, hiệu lực trừ sâu cao, nhưng quá trình gia công phức tạp, tốn kém, giá thành cao.
- Dạng thuốc bột (hạt củ đậu 95 BTN): Chế phẩm là dạng bột, chứa 95% bột hạt củ đậu và 5% phụ gia (chất bám dính, chất chống lắng...), dạng chế phẩm này dễ chế biến, gia công, vận chuyển, hiệu lực trừ sâu tốt. Tuy nhiên có nhược điểm là lượng chế phẩm đem sử dụng hơi nhiều, phải lọc bỏ bã trước khi phun. Nếu bột mịn thì có thể phun thẳng, không phải lọc. Đây là dạng chế phẩm tốt nhất, hiệu quả kinh tế cao.
4.3. Tính chất tác động của các chế phẩm từ hạt củ đậu
Hạt củ đậu có tác động sau:
- Tiếp xúc: Là tác động mạnh nhất, sâu hại trực tiếp trúng thuốc mới bị chết, nếu gây tiếp xúc với cây trồng khi thuốc đã khô thì khả năng sâu chết kém hơn.
- Gây ngán: Sâu không thích ăn cây trồng đã bị phun thuốc hạt củ đậu. Nếu tất cả thức ăn đã bị phun thuốc thì sâu khỏe cũng ít ăn.
- Xua đuổi: Cả sâu non và bướm sâu tơ đều ít tìm đến ruộng đã bị phun thuốc. Bướm sâu tơ đến đẻ trứng ở cây có phun thuốc ít hơn ở cây không phun thuốc 20-30%.
4.4. Cách sử dụng hạt củ đậu
- Dạng đã chế biến; Dùng 200-250g bột chế phẩm hạt củ đậu 95 BTN pha với 1 lít nước, ngâm một đêm, thêm cho đủ 10 lít, lọc bỏ bã qua vải màn rồi phun tiếp lên cây trồng để trừ sâu. Nên phun đều lên cây, nếu để trừ sâu tơ thì phun kỹ ở mặt dưới của lá. Nếu dạng bột có độ mịn cao thì không phải lọc bỏ bã.
- Dạng hạt chưa chế biến: Ở những vùng trồng cây củ đậu, có thể để cho cây ra hoa, quả và sau đó thu hoạch hạt củ đậu, phơi khô trong râm mát hoặc giã tươi với liều lượng như trên (khoảng 200-300g hạt khô hoặc 500g hạt tươi, nghiền nhỏ, ngâm một đêm, sau đó cho nước đủ 10 lít và phun cho cây trồng).
- Lượng nước thuốc phun tùy theo giai đoạn phát triển của cây và loại cây để điều chỉnh lượng nước thuốc phun cho cây. Nếu cây nhỏ phun 1-1,5 bình bơm/sào Bắc bộ, cây lớn 2-3 bình/sào Bắc Bộ.
- Nên phun luân phiên chế phẩm hạt củ đậu với một số loại thuốc khác như BT... nếu cần thiết để tránh sâu quen thuốc (nhờn thuốc).
Theo tài liệu Sản xuất, chế biến và sử dụng thuốc BVTV thảo mộc và sinh học - TS. Nguyễn Tuất, PGS. TS Lê Văn Thuyết - Viện Bảo vệ thực vật - Nhà xuất bản Nông nghiệp (2001)
-
Định nghĩa, phân loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
Thuốc BVTV là gì? Định nghĩa và phân loại thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn xác định độ độc, cách đọc tên thuốc, ý nghĩa các hình ảnh trên bao bì thuốc BVTV, sơ cứu nhiễm độc thuốc BVTV...
-
Cơ chế tác động của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
Tìm hiểu về cơ chế tác động của thuốc BVTV: thuốc trừ sâu diệt sâu như thế nào, thuốc trừ bệnh đặc trị bệnh theo cơ chế gì, thuốc trừ cỏ theo cơ chế gì, thuốc diệt chuột theo cơ chế gì?...
-
Hướng dẫn thực hành pha chế thuốc Booc đô sử dụng trừ một số bệnh hại vải, nhãn
Booc đô là loại thuốc trừ bệnh được sử dụng phổ biến. Đối với vải, nhãn booc đô được sử dụng trừ bệnh sương mai, ghẻ cành và một số bệnh hại khác. Có thể áp dụng trên nhiều loại cây trồng.
- Nhu cầu vi lượng của cây trồng: vai trò, liều lượng và cách bổ sung hiệu quả
- Trồng Đương Quy và Ngưu Tất: Giải pháp hiệu quả cho nông dân Hưng Yên chuyển đổi cây trồng
- Hiện tượng trinh sinh quả trên cây có múi là gì?
- Kết hợp phân bón hữu cơ và phân vi sinh để quá trình canh tác đạt hiệu quả cao nhất
- Độ phì nhiêu là gì? đặc điểm độ phì nhiêu của đất
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 2)