Mật độ trồng ảnh hưởng đến các giai đoạn sinh trưởng và năng suất của giống dưa Kim Cô Nương

Mật độ trồng có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung và cây dưa lê nói riêng. Mật độ trồng quá dày sẽ có sự cạnh tranh về dinh dưỡng lớn, làm cho cây không có khả năng phát triển hết tiềm năng năng suất giảm  nhưng nếu trồng ở mật độ quá thưa, tiểu khí hậu tại vùng cây sinh trưởng không đảm bảo, do cây dưa lê thường được trồng vào vụ hè nhiệt độ cao, nên với mật độ thưa vùng đất tại cây sẽ bị mất nước nhiều, không đảm bảo được độ ẩm cho cây phát triển, đồng thời nhiệt độ sẽ tăng cao, không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dưa.

VỚI CÁC MỨC MẬT ĐỘ:

            + Công thức 1: 3.000 cây/1000m2 (20x150) cm 

            + Công thức 2: 2.000 cây/1000m2 (30x150) cm 

            + Công thức 3: 1.500 cây/1000m2 (40x150) cm 

            + Công thức 4: 1.200 cây/1000m2 (50x150) cm 

Ghi chú: Nền phân: 1 tấn phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục + 20kg NPK (16:16:8 +TE) + 90kg NPK (13:13:13 +TE) + 15 lit phân vi sinh AK/1000m2, các loại phân bón thúc được ngâm, hòa tan đổ vào bình và tưới nhỏ giọt.

1. Ảnh hưởng của mật độ đến thời gian qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của giống dưa Kim Cô Nương như sau:

* Thời gian từ trồng đến thụ phấn

Đối với dưa lê hoa cái thường xuất hiện ở nách lá thứ tư hoặc thứ 5 trở đi, tuy nhiên những quả để ở những nách lá đầu quả thường nhỏ và tỷ lệ đậu quả thấp nên theo khuyến cáo của nhà sản xuất giống để đảm bảo năng suất, chất lượng dưa cần tiến hành tỉa nhánh thường xuyên. Chỉ bắt đầu để nhánh hoa từ lá thứ 10, tiến hành thụ phấn bổ sung cho hoa cái.        

Kết quả nghiên cứu cho thấy các mật độ trồng khác nhau thì sẽ ảnh hưởng đến thời gian nở hoa của giống dưa Kim Cô Nương. Mật độ trồng dày (3000 cây/1000 m2) làm cho cây phải vươn lóng, cạnh tranh dinh dưỡng nên hoa nở muộn hơn so với các công thức khác, sau trồng 27 ngày mới nở hoa. Công thức mật độ 4 (1000 cây/1000 m2) nở hoa sớm nhất, sau trồng 24 ngày. Công thức mật độ (2000 cây/1000 m2) và mật độ (1500 cây/1000m2) nở hoa sau trồng là 25 ngày.

* Thời gian từ trồng đến đậu quả

Mật độ có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đậu quả của cây dưa, thông thường khi trồng ở mật độ vừa phải thì chỉ sau 5-7 ngày thụ phấn sẽ đậu quả. Công thức 4 (1000 cây/1000 m2) đậu quả sớm nhất sau trồng là 30 ngày.

* Thời gian từ trồng đến thu quả

Sau khi đậu quả, dưới điều kiện ngoại cảnh cần thiết và lượng dinh dưỡng hợp lý, quả phát triển và đạt kích thước tối đa và bước vào giai đoạn chín. CT4 (1000 cây/1000m2) trồng với mật độ thưa nên lượng dinh dưỡng tập trung vào nuôi quả là chính nên quả chín sớm, thời gian từ trồng đến thu quả của công thức này là 60 ngày. CT 4 ngoài việc nuôi quả dinh dưỡng còn phải cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và đậu quả muộn nên quả chín muộn hơn các công thức trên, sau trồng 69 ngày mới cho thu quả.

* Thời gian từ trồng đến kết thúc thu hoạch

Thời gian từ trồng đến kết thúc thu hoạch phụ thuộc vào thời gian từ trồng đến chín và thời gian thu hoạch quả kéo dài. CT4 kết thúc thu hoạch sớm nhất (66 ngày sau trồng). CT1 (3000 cây/1000 m2) kết thúc thu hoạch muộn nhất (79 ngày sau trồng).

* Tổng thời gian sinh trưởng

Tổng thời gian sinh trưởng được tính từ lúc gieo cho đến khi kết thúc thu hoạch.  Thời gian sinh trưởng của công thức 4 ngắn nhất (70 ngày), thời gian sinh trưởng của công thức 2 và công thức 3 là 72 ngày. Công thức 1 có thời gian sinh trưởng là muộn nhất, kéo dài 84 ngày.

2. Ảnh hưởng đến năng suất của giống dưa Kim Cô Nương

* Trọng lượng quả và năng suất cá thể (kg/cây)

Trọng lượng quả hay năng suất cá thể là mối quan tâm quan trọng của người trồng, cũng là kết quả cuối cùng để đánh giá toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Trọng lượng quả phụ thuộc vào giống, điều kiện ngoại cảnh, mật độ trồng, chế độ dinh dưỡng... Kết quả nghiên cứu cho thấy công thức 4 có trọng lượng quả cao nhất đạt 1,75kg/quả, tiếp đến là công thức 2 đạt 1,73kg/quả và công thức 3 đạt 1,68kg/quả, ba công thức này sai khác nhau nhưng không có ý nghĩa ở độ tin cậy 95%. Thấp nhất vẫn là công thức 1 chỉ đạt 1,32kg/quả và thấp hơn 3 công thức còn lại ở độ tin cậy 95%.

* Năng suất lý thuyết (tạ/1000m2)

Năng suất lý thuyết là tiềm năng năng suất của giống trong điều kiện nhất định, biết được tiềm năng năng suất để xây dựng quy trình kỹ thuật hợp lý và khai thác tốt tiềm năng năng suất của giống đó. Năng suất lý thuyết là kết quả tổng hợp của các yếu tố cấu thành năng suất như số quả trên cây, trọng lượng quả và mật độ trồng. Mật độ thay đổi làm các yếu tố này thay đổi nên năng suất lý thuyết của giống dưa Kim Cô Nương cũng thay đổi. Với mật độ 3.000 cây/1000m2 năng suất lý thuyết đạt 41,00 tạ/1000m2, khi giảm mật độ thì năng suất lý thuyết cũng giảm, nhưng lựa chọn mật độ nào thì còn phụ thuộc vào năng suất thực thu.

* Năng suất thực thu tổng (tạ/1000m2)

Năng suất thực thu tổng phụ thuộc chặt chẽ vào trọng lượng quả trên cây. Trọng lượng quả cao thì năng suất thực thu tổng cũng cao. Trong thí nghiệm năng suất thực thu tổng của các công thức dao động từ 18,1 đến 32,6 tạ/1000m2. Công thức 2 có năng suất thực thu tổng cao nhất (32,6 tạ/1000m2), cao hơn ba công thức còn lại ở mức ý nghĩa 0,05. Công thức 3 và Công thức 4 trồng với mật độ thưa nên năng suất chỉ đạt lần lượt là 22,73 tạ/1000m2và 18,27 tạ/1000m2. Công thức 1 có năng suất thấp nhất (18,10 tạ/1000m2), thấp hơn công thức 3 có ý nghĩa ở độ tin cậy 95%.

* Năng suất thực thu thương phẩm (tạ/1000m2)

 Năng suất thực, thu thương phẩm là điều cuối cùng người sản xuất nông nghiệp quan tâm nhất. Trong thí nghiệm này công thức 2 trồng mật độ 2000 cây/1000m2 cho năng suất cao nhất (30,17 tạ/1000m2) và cao hơn ba công thức còn lại ở mức ý nghĩa 0,05.

Tóm lại:

+ Các mật độ trồng khác nhau đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất của giống dưa Kim Cô Nương trong điều kiện nhà mái che. Công thức 2 trồng mật độ 2000 cây/1000m2 cho sinh trưởng phát triển tốt, tuy trọng lượng quả không cao nhất nhưng mật độ cây hài hòa nên năng suất tổng cũng như năng suất thương phẩm đạt cao nhất. Công thức 1 trồng mật độ dày (3000 cây/1000m2 ) nên độ thông thoáng kém, tỷ lệ sâu bệnh hại nhiều hơn nên cho năng suất thu hoạch thấp nhất. Công thức 3 và công thức 4 tuy sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng quả cao nhưng mật độ thưa nên năng suất lại thấp, kém hiệu quả hơn công thức 2. Trong điều kiện mức phân bón, và chế độ chăm sóc giữa các mức mật độ là như nhau.

+ Nên trồng với mật độ 2000 cây/1000 m2, đạt năng suất thực thu 32,6 tạ/1000 m2, mật độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt ít bị cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế được sâu, bệnh hại. 

Nguồn: Luận văn Bùi Thị Đào
Xem thêm chủ đề: cây dưa, mật độ trồng dưa.
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status