Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đay

Cây trồng liên quan: Cây đay

Đay trồng chủ yếu để lấy sợi ở vỏ thân. Năng suất cao hay thấp tùy thuộc vào số cây hữu hiệu trên đơn vị diện tích, độ cao kinh tế của thân, đường kính thân, độ dày vỏ và tỉ lệ sợi.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đay

1. Chế độ luân canh trồng gối

Khối lượng sinh trưởng lớn, có thể đạt 75 tấn thân lá tươi/ha/1 vụ, do đó mỗi vụ lấy đi của đất rất nhiều dinh dưỡng. Nếu không luân canh, thì năng xuất phẩm chất đay đều giảm, sâu bệnh tăng nhất lá: Thán thư, lỡ cổ rễ, tuyến trùng.

Một số công thức luận canh ở Việt Nam:

- Đay - lúa mùa - bỏ hóa vụ đông (ưu điểm cấy lúa mùa chính vụ).

- Đay xanh - lá mùa - cây vụ đông (ưu điểm làm 3 vụ).

- Đay - rau màu các loại

- Ngô đông xuân - đay - lúa mùa.

- Đay - lúa mùa - đay (vùng bãi chân vàn, thấp).

Những vấn đề cần chú ý khi luận canh:

- Với những vùng chuyên canh đay, thì cây đay trong chế độ luận canh phải được xem là cây trồng chính.

- Cần chú ý luân canh với cây lúa nước để giảm cỏ dại và sâu bệnh.

2. Một số giống đay trong sản xuất

- Đay cách: có 2 loại hình đay cách lá xẻ thùy và lá nguyên hình tim

Một số giống hiện có trong sản xuất ở Việt Nam là:

+ Đay lá chẻ: Thân cao 3 - 4,5 m, đường kính gốc 1,5 - 2,5cm, tỉ lệ tơ 15 - 16%. Năng suất trong sản xuất 25 - 30 tạ/ha, thời gian sinh trưởng 160 - 180 ngày.

+ Đay lá hình tim: Giống HC – 583, Giống đay cách Cu Ba.

- Đay xanh: Đay quả dài Gia Lâm, Đay buôm Thái Bình, Việt Viên 4, Việt Viên 5, Tân Viên 1...

3. Làm đất

- Cày sâu (16 - 20cm), bừa kỹ đảm bảo tơi xốp, nhỏ mịm, san phẳng. Nếu mặt đồng mấp mô, đay sẽ mọc không đều.

- Làm đất xong lên luống rộng 2,4 - 2,8m, cao 15 - 20cm.

- Chung quanh và giữa ruộng cần có mương rãnh tưới và thoát nước.

- Nên cày đất sớm để ải.

4. Thời vụ trồng đay

- Gieo đay quá sớm gặp nhiệt độ thấp, cây sẽ mọc chậm, mọc không đều do mất khoảng cây cao và thấp không đều. Khi gieo sớm gặp ánh sáng ngày ngắn, bị ra hoa sớm cây thấp bé, đường kính thân nhỏ.

- Gieo đay đúng thời vụ đủ ấm, cây mọc nhanh và đều, đảm bảo mật độ. Gieo đúng thời vụ ngày đủ dài, cây sẽ ra hoa nụ bình thường, thời gian sinh trưởng bình thường cây cao,tỷ lệ đay còi ít, năng suất đay cao, phẩm chất sợi tốt.

Thời vụ cụ thể ở miền Bắc:

Đay cách: gieo từ 15/2 đến 10/3.

Đay xanh quả tròn: gieo từ 25/3 đến 15/4.

Đay xanh quả dài: gieo 10/4 đến 20/4.

5. Mật độ và khoảng cách trồng đay

Năng suất đay cao hay thấp phụ thuộc vào 4 yếu tố: số cây hữu hiệu/ 1 đơn vị diện tích, chiều cao kinh tế, đường kính thân và độ dày bẹ.

- Mật đô:

+ Đay xanh: 30 - 33 vạn cây/ha.

+ Đay cách: 27 - 30 vạn cây/ha.

- Khoảng cách:

+ Đay xanh: 30-35cm* 8-10cm (1 cây).

+ Đay cách: 30-35cm*10-12 (1 cây).

6. Gieo hạt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh

a, Gieo hạt

+ Tỷ lệ nảy mầm phải trên 85%, nếu kém hơn cần tăng lượng hạt gieo.

+ Phơi lại hạt, và xử lý hạt giống để diệt mầm sâu bệnh.

+ Kỹ thuật gieo: Rắc đều, vùi cạn, nén đất, đảm bảo độ gieo sâu 1-3cm, có thể phủ tro sau gieo.

+ Lượng hạt gieo:

Đay xanh quả dài: 5 - 7 kg hạt/ha.

Đay xanh quả tròn: 10 - 15 kg hạt/ha.

Đay cách: 25 - 30 kg hạt/ha.

b, Chăm sóc

- Tỉa cây: tỉa làm 3 lần

+ Lần 1: Cây cao 2-3 cm, cây nọ cách cây kia 1 - 2 cm.

+ Lần 2: Cây cao 5-7 cm, cây nọ cách cây kia 5 - 7 cm.

+ Lần 3: Cây cao 10-15 cm, cây nọ cây kia 8 - 10 cm.

Khi cây cao 1,5m có thể tỉa, nhổ bỏ các cây vô hiệu, còi cọc, để ruộng thoáng, tập chung dinh dưỡng cho những cây hữu hiệu.

- Xới xáo làm cỏ

+ Xới lần 1: Khi cây cao 20cm, xới nhẹ nông 1 - 5 cm, và vun nhẹ.

+ Xới lần 2: Khi cây cao 40 - 50 cm, xới nặng hơn kết hợp với vun.

+ Xới lần 3: Cây cao 80 - 100 cm, xới vun cao chống đổ, kết hợp xới bón thúc đạm.

- Vun gốc chống đỗ, phòng chống hạn úng, tiêu nước.

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1. Sâu và vi sinh vật gây hại đay chủ yếu

- Sâu xanh (Agrotis ypsilon Rottemberg): làm ruộng đay mất khoảng giảm mật độ, phòng trừ: làm bẫy, bả, làm sạch cỏ, phá nơi chú ẩn sâu, Sevin 85 (0,2 - 0,3%), xử lý đất trước gieo 20 ngày, bắt diệt vào sáng sớm hoặc chiều tối.

- Sâu đục thân ngô (Pyrausta nubilalis Hiiner): làm ngọn héo rũ, mỗi năm 3 - 6 đợt, có nhiều thiên địch ký sih trên trứng, sâu non, trong đó ong mắt đỏ là thiên địch diệt mạnh nhất (diệt 70 - 80% trứng). Biện pháp phòng trừ: Thuốc Sevin 85, 0,2 - 0,3%, xử lý đất trước khi trồng 20 ngày.

- Sâu đo các loại, sâu xanh: Thường ăn hại lá và ngọn, phòng trừ bằng thuốc Bi58, 0,2 - 0,3%, padan 0,2 - 0,3% diệt trừ sâu non và trứng.

7.2. Bệnh hại đay chủ yếu

- Bệnh đốm thân: do nấm Cercospora Corchori

Phòng trừ: Xử lý hạt giống, hoặc phun dung dịch Booc đô 0,5%, hoặc dùng dung dịch lưu huỳnh 0,5 độ Boome, vệ sinh đồng ruộng, chọn giống chống bệnh, tăng bón kali,

Ngoài ra còn một số bệnh như: bệnh khô thân, bệnh thán thư, bệnh đốm vi khuẩn, Bệnh tuyến trùng rễ.

Nguồn: Giáo trình cây công nghiệp đại học nông nghiệp Hà Nội
DMCA.com Protection Status