Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê

Cây trồng liên quan: Cây cà phê

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê

1. Giống cà phê

Một số những giống cà phê điển hình:

- Giống cà phê chè PQ1 được chọn ra từ giống Mokatali ở Phú Thọ có năng suất ổn định: 1,4 – 1,6 tấn/ha, chống chịu bệnh gỉ sắt khá.

- Giống cà phê chè PQ2 được tuyển chọn từ giống cà phê chè hương phẩm nhập nội từ Cuba (Cutura amarello) có năng suất cao: 1,5 – 1,6 tấn/ha, phẩm chất khá, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

- Giống Catimor do viện nghiên cứu cà phê Việt Nam tuyển chọn, đang được trồng phổ biến trong sản xuất, năng suất cao ổn định, phẩm chất khá, chống chịu bệnh gỉ sắt.

- Giống cà phê chè 17ABC là giống có khả năng cho năng xuất cao, phẩm chất tốt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, chống chịu tốt đối với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như rét, hạn nóng, và chống chịu bệnh gỉ sắt.

- Ngoài ra trong sản xuất còn trồng các giống Bourbon, mundonovo, Typica, Catuai,...

2. Chọn đất thiết kế lô trồng

2.1. Chọn đất và làm đất

- Chọn đất thích hợp cho cà phê (tầng canh tác dày trên 70 cm, mực nước ngầm dưới 1m, tơi xốp, thoát nước nhanh, hàm lượng mùn khoảng 2%, pH gần trung tính, sau đó tiến hành khai hoang, san ủi đất bằng phẳng cục bộ, làm sạch gốc cây, cày sâu lật đất kết hợp với bón phân để cải tạo đất.

- Sau khi cày sâu bừa kỹ nên gieo 1 – 2 vụ cây phân xanh để cày vùi tăng lượng dinh dưỡng cho đất.

2.2. Thiết kế lô trồng

- Với đất dốc trên 15 độ có địa hình bát úp, thiết kế vườn cà phê theo hình thang với các đáy là đường vận chuyển quanh đồi, các cạnh bên là đường xuyên đồi.

- Với đất dốc 5 – 15 độ thiết kế vườn cà phê theo khối hình chữ nhật, chiều rộng 200m, chiều dài từ 200 – 400m. Bao quanh các khối đó là đường vận chuyển chính và đai rừng chắn gió. Mỗi khối được chia thành các lô 1ha. Hàng cà phê trồng theo đường nối tiếp nhau song song với chiều dài của của khối.

- Đối với đất dốc 3 – 5 độ thiết kế khối rộng 25ha (500mx500m), bao quanh khối lớn là đường vận chuyển và các đai rừng chính. Trên khối chia thành 25 lô 1 ha (100mx100m).

3. Mật độ khoảng cách

- Mật độ khoảng cách ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển và năng suất của cà phê.

- Mật độ khoảng cách tùy thuộc vào giống, điều kiện ngoại cảnh và trình độ canh tác: khoảng cách cây cách cây 2 x 2m (mật độ 2500 cây/ha) đến 3 x3m (mật độ 1.110 cây/ha).

- Cà phê vối: 2,5mx2,5m (1600 cây/ha) đến 3,5x3,5m (810 cây/ha), cà phê mít 3x3m (1100 cây/ha) đến 4x4m (625 cây/ha).

- Việc bố trí trên vườn cà phê theo các dạng sau:

+ Trồng từng cây tách biệt theo hình vuông, chữ nhật, tam giác đều, tam giác cân.

+ Trồng thành từng hàng đơn hoặc kép.

Xu hướng gần đây là: Trồng dầy, mật độ gấp 2  - 3 lần so với trồng cũ có nhiều ưu điểm: cho cà phê có môi trường mát, im gió, tăng tổng diện tích bề mặt tán (nhiều quả), mặt khác cà phê là cây tái sinh mạnh trồng dày để cưa đốn luôn phiên.

4. Kỹ thuật nhân giống

4.1. Nhân giống hữu tính

- Gieo thẳng hạt là cách làm đơn giản, đỡ tốn công, tỷ lệ sống thấp (Baraxin còn giữ tập quán gieo hạt thẳng).

- Gieo hạt trong vườn ươm từ tháng 10 – 12, gieo trực tiếp vào nền đất đã lên luống hoặc gieo vào túi P.E sau khi đã xử lý ngâm ủ.

4.2. Nhân giống vô tính

- Có thể nhân giống bằng biện pháp giâm cành. Khả năng ra rễ của cà phê vối lớn hơn cà phê chè và cà phê mít.

- Cà phê giâm với giâm cành có khả năng đạt tỷ lệ sống trên 70%. Cành giâm được chọn từ cảnh vượt chưa hóa gỗ, cắt thành đoạn mang 2 lá non. Thời vụ giâm vào mùa mưa là thích hợp nhất. Miền Bắc vào tháng 2 – 3 và tháng 8 – 9, miền nam tháng 5 – 6.

5. Kỹ thuật trồng

5.1. Thời vụ trồng

Thời vụ chủ yếu miền Bắc tháng 8 – 9, miền Nam tháng 5 – 6, đã qua giai đoạn vườn ươm.

5.2. Cách trồng:

- Trồng bằng bầu nguyên cây: Là cách trồng phổ biến trên thế giới cũng như Việt Nam, khi cây qua vườn 6 – 7 tháng tuổi, chiều cao 25 – 30cm, đường kính cổ rễ 5 – 6mm, số cắp lá 6 – 8, có từ 0 – 2 đôi cành ngang (mới nhú).

- Trong bầu thân đoạn, khi cây trong vườn ươm quá lứa 16 – 18 tháng, cao 70 – 80cm, nhiều cành ngang nếu trồng cả cây sẽ chết do vậy phải cắt bớt thân đi gọi là trồng bầu cắt thân, cắt thân bớt lại 1 đoạn 15cm.

- Trồng rễ trần, nhổ cây cà phê rũ sạch đất rồi đem trồng. Ở những nơi mùa mưa dài trồng rễ trần đạt tỷ lệ sống cao, tuổi cây 6 – 8 tháng.

- Trồng “ tum” còn gọi là stum, khi để cây trong vườn quá lâu 24 – 36 tháng thì trồng theo cách này. Trước khi trồng xử lý cây bằng cách cắt thân, để lại 1 đoạn 15cm, cắt bớt rễ tạo thành hình nón trên để dài 7 – 8 cm dưới 1 – 2 cm.

6. Bón phân cho cà phê

- Nhu cầu dinh dưỡng của cà phê khá cao: Theo Catani, trong 1000 kg quả tươi có N: 15kg; P2O5: 2,5kg; K2O: 24kg; CaO: 2kg; MgO: 1kg. Theo Forestier trong 1000 kg cà phê nhân có N: 30kg; P2O5: 3,75; K2O: 24kg; CaO: 2kg; MgO: 1kg.

- Nói chung đạm và kali chiếm tỷ lệ cao nhất trong thành phần các chất dinh dương của hạt cà phê và giữ vai trò quyết định trong việc cấu tạo quả và hạt.

- Nhu cầu đạm và kali tăng nhanh vào thời kỳ quả lớn. Theo Catani và Forestier cho thấy nhu cầu dinh dưỡng cà phê tăng gấp bội vào năm thứ 3,4 được biệt là N, K2O. Đối với cà phê Việt Nam có thể bón theo quy trình sau:

* Năm thư nhất bón làm 2 lần:

Lần 1 (lót): 1/2 N + ½ K2O + tổng số lân.

Lần 2: ½ N + ½ K2O vào tháng 10.

*Năm thứ 2 và thứ 3 bón 3 lần

- Lần 1: 1/3 N + 1/3K2O + Tổng số lân vào tháng 5.

- Lần 2: 1/3 N+ 1/3K2O vào tháng 7.

- Lần 3: 1/3N + 1/3K2O vào tháng 10.

Lưu ý: Phân hưu cơ: nếu đất có hàm lượng mùn trên 3% thì không phải bón thêm phân hữu cơ; nếu dưới 3% cần bón thêm phân hữu cơ với lượng 15 – 20 kg/cây/1 lần/2 – 3 năm.

Công thức phân bón cho cây cà phê các tuổi

 

N

P2O5

K2O

Năm thứ 1

60

30

30

Năm thứ 2

90

30

50

Năm thứ 3

120

100

150

Kinh doanh

200

150

250

Cưa đốn

120

100

15

7. Trồng cây che bóng

- Cà phê có nguồn gốc dưới tán rừng nên sinh trưởng phát triển tốt ở điều kiện có che bóng, khả năng chịu ánh sáng của cà phê mít >vối>chè.

- Trồng cây bóng mát sẽ tạo cho cây cà phê có năng suất ổn định do: Hạn chế bốc hơi nước, tạo điều kiện cung cấp ẩm cho cây cà phê, hạn chế sự khô hạn, hạn chế sự tác hại của sương muối, điều hòa nhiệt độ trong lô cà phê, chắn gió cho cà phê, giảm xói mòn rửa trôi, trừ cỏ dại, làm cho cà phê chín không tập chung  thuận lợi chô hái thủ công. Tuy nhiên cây bóng mát có nhược điểm tạo điều kiện cho sâu hại  phát triển, tranh chấp thức ăn với cà phê gây tốn kém và phức tạp trong sản xuất.

- Các cây che bóng tạm thời: Cốt khí, muồn lá dài, muồn lá tròn, gieo giữa các hàng cà phê.

- Cây che bóng vinh viễn vd: Muồn đen trồng với khoảng cách 12x10; Cà phê trồng theo khoảng cách 3x2m.

8. Tạo hình sửa cành

- Nhằm tạo thế cân bằng cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế hiện tượng ưu thế ngọn, thay thân chính đối với nương cà phê già, tạo độ thông thoáng khí để cho cây sinh trưởng phát triển phát triển tốt.

- Cơ sở: Nhìn chung ở các cây ăn quả lâu năm số lượng quả liên quan chặt với số cành tơ trên tán cây.

- Cà phê chỉ ra hoa trên cành thứ cấp (cành ngang). Cây cà phê càng phát triển thì hoa và quả thường có xu thế xa trục, số lượng và chất lượng giảm. Làm thay đổi tỷ lệ C/N trong cây, tạo sự cân bằng C/N làm cho cây ra hoa kết quả nhiều. Sự ra hoa còn liên quan đến tuổi sinh lý của cây.

8.1. Kỹ thuật tạo hình cơ bản

- Đối với cà phê chè Bourbon, Typica, Mundonovo thường tạo hình 1 thân kết hợp hãm ngọn nuôi tầng. Thông thường hãm ngọn nuôi tầng 2 lần là tốt nhất với chiều cao cho thu hái 1,6 – 1,8m có thể nuôi tầng 3.

+ Sau năm thứ nhất: Cây cao trên 1m tiến hành hãm ngọn ở độ cao 1m. Sau 2 – 3 năm tiến hành hãm ngọn lần 2 nuôi chồi vượt chiều cao so với thân 40cm (có khoảng 4 cặp cành), ổn định chiều cao 1,6 – 1,8m.

+ Đối với giống ít cành thứ cấp như Catura, Catura tạo hình đa trụ có hãm ngọn để nuôi tầng. Khi cây cao 50 – 60cm bấm ngọn tạo 3 thân, khi cây cao trên 1m hãm ngọn ở độ cao 1m. Sau 2 năm tiếp tục để 1 chồi mới trên chồi cũ phát triển tự do cố định ở chiều cao 1,6m.

- Đối với cà phê vối áp dụng phương pháp nhiều thân nuôi chồi thay thế (vì ít cành thứ cấp). Sau trồng nuôi chồi vượt để tạo 3 thân. Sau 3 – 4 vụ thu hoạch năng suất giảm thì nuôi chồi trên thân mẹ, cách gốc 70 – 80cm nuôi 3 -4 chồi. Sau 2 – 3 vụ thu hoạch nuôi chồi vượt cách gốc 1 – 1,2m. Riêng đối với cà phê vối miền nam áp dụng dạng nhiều thân kết hợp với hãm ngọn nuôi tầng.

+ Sửa cành: Cắt bỏ cành vượt, chồi vượt, loại bỏ cành tăm hay cành vòi voi, sửa cho tán thông thoáng.

- Sửa cành nuôi quả: sau 1 thời gian thu hoạch, trên tán cây nhiều cành mang quả già và có quả khô. Do vậy cắt bỏ cành khô, cành vòi voi, cành già tạo điều kiện cho cành ra tơ, giúp cho cây ra hoa kết quả tốt.

- Sửa cành đau: Sau 10 – 15 năm thu hoạch, cây mất cân đối, tán không đồng đều, năng suất có xu hướng giảm thì tiến hành sửa cành  đau. Cắt tất cả các cành thu gom tán cây để lại các đoạn cành dài 30cm (phía trên) và 50cm (phía dưới).

- Cưa đốn phục hồi: khi sức sinh trưởng của cây giảm, năng suất giảm rõ rệt, tiến hành cưa đốn phục hồi, cưa toàn bộ tán cây chỉ bớt lại phần gốc 20 – 25cm.

9. Tưới nước

- Tưới nước nhằm kéo dài tuổi thọ của bộ lá, là cơ sở của việc tạo hoa kết quả và tạo năng suất. Đặc biệt vào mùa khô hạn ở Tây Nguyên, tập trung tưới đón hoa, nuôi quả. Bắt đầu tưới vào mùa khô, lượng nước tưới 400 – 500m3/ha/lần. (4 – 6 lần).

10. Thu hoạch

- Yêu cầu hái đúng độ chín (2/3 quả màu đỏ), hái từng quả, không hái chùm, không tuốt cành, khi hái phải bảo vệ cành lá, tránh tổn thương các bộ phận của cây, ảnh hưởng đến năng suất quả về sau. Cà phê chè quả chín tháng 10, 11, 12, 1; cà phê vối tháng 11, 12, 1, 2, 3, cà phê mít tháng 6, 7, 8, 9.

- Thu hái xong vận chuyển về nơi chế biến kịp thời. Nếu không chế biến kịp cần rải cà phê trên nền cao thoáng mát.

- Chế biến cà phê có 2 phương pháp:

* Chế biến ướt:

Quả tươi, làm sạch, xát tươi, xát tươi, ngâm ủ, rửa, cà phê thóc, xay khô, đánh bóng, phân loại, đóng bao, xuất xưởng.

* Chế biến khô

Quả tươi, làm sạch, sấy khô, xay quả khô, phân loại, đóng bao, xuất xưởng.

Nguồn: Giáo trình cây công nghiệp
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status