Kỹ thuật trồng cây khoai lang

Cây trồng liên quan: Cây khoai lang

Thực tiễn sản xuất từ trước đến nay trong nghề trồng khoai lang ở nước ta đã có nhiều cách trồng khác nhau xuất phát từ tính chất đất đai, thời vụ, chất lượng dây giống và tập quán của từng vùng mà mỗi địa phương đã áp dụng những phương pháp trồng khác nhau. Những phương pháp trồng đó là: Trồng nằm ngang luống, trồng dây kiểu móc câu, trồng dây kiểu đáy thuyền, trồng dây kiểu áp tường, trồng dây phẳng dọc luống.v.v...

Mỗi một cách trồng đều có những ưu và nhược điểm, song hiện nay trong sản xuất hai phương pháp được phổ biến rộng rãi là: Trồng dây phẳng dọc luống và trồng dây áp tường.

1. Làm đất trồng khoai lang

Khoai lang là cây trồng không kén đất, trồng trên bất cứ loại đất nào (đồi núi, cát ven biển, bạc màu, đất thịt, đất cát pha...) cũng đều cho thu hoạch.

Kỹ thuật làm đất cho khoai lang cần phải đảm bảo những yêu cầu sau:

* Làm đất sâu: Có tác dụng để làm được luống cao, to, tạo điều kiện cho rễ và củ phát triển thuận lợi.

* Làm đất tơi xốp: Đất tơi xốp là một yêu cầu cần thiết đảm bảo đầy đủ oxy cho rễ con phát triển đồng thời giúp cho củ phình to nhanh, không bị cong queo.

* Đảm bảo giữ màu, giữ nước và chủ động thoát nước tốt.

Tuy vậy việc làm đất cũng phải tùy thuộc vào từng loại đất, thời vụ trồng mà có biện pháp kỹ thuật làm đất thích hợp

Ví dụ: Vụ Đông Xuân trên các loại chân đất thịt, đất vàn, kỹ thuật làm đất chủ yếu là làm ải. Nhưng việc làm ải trong vụ Đông Xuân cũng cần lưu ý đảm bảo đủ độ ẩm trong đất khi trồng. Vì vậy sau khi cày ải xong, 2 - 3 ngày sau cần phải bừa ải ngay để giữ ẩm cho đất.

Vụ Đông do ảnh hưởng của những trận mưa cuối mùa vì vậy gặt lúa mùa xong, đất còn ướt nhưng phải tiến hành làm đất ngay để đảm bảo thời vụ trồng. Trong điều kiện đó phải áp dụng biện pháp kỹ thuật làm đất ướt. Sau khi cày đất lên luống, trên mỗi luống cần cho thêm một ít đất bột để giảm bớt độ ẩm đất trước khi đặt dây trồng. Sau trồng khoảng trên dưới một tháng, khi thời tiết chuyển sang khô hanh, đất trong luống khô dần phải tiến hành làm đất lại, làm đất nhỏ và vun luống lên hoàn chỉnh.

Trên các chân đất cát (đặc biệt là đất cát ven biển) sau khi gặt lúa mùa phải tiến hành cày lên luống ngay để đảm bảo đủ độ ẩm khi trồng mà không được làm đất ải.

2. Lên luống trồng khoai lang

Lên luống cho cây khoai lang nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận dưới mặt đất phát triển nhất là củ. Lên luống cần chú ý tới 2 mặt: Kích thước luống và hướng luống.

  • Kích thước luống trồng khoai lang

Luống rộng hay hẹp, cao hay thấp phụ thuộc vào điều kiện đất đai, giống, thời vụ, mật độ, khoảng cách trồng v.v...

Thông thường trên các loại đất xấu, đất khó thoát nước, giống dài ngày, thời vụ có thời gian sinh trưởng dài, mật độ khoảng cách trồng thưa, kích thước luống phải rộng và luống phải cao. Một yêu cầu cơ bản của kỹ thuật lên luống khoai lang là phải nở sườn (không lên luống hình tam giác).

Trong sản xuất hiện nay kích thước luống thường dao động từ 1 - 1,2m chiều rộng và 30 - 45 cm chiều cao.

  • Hướng luống trồng khoai lang

Tùy thuộc vào kích thước của ruộng trồng mà xác định, nhưng nói chung theo hướng đông tây là thích hợp nhất. Theo hướng này có hai điều lợi:

- Thời gian đầu không bị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc làm lật ngược dây.

- Vào giai đoạn cuối, thân lá đã giảm xuống, củ lớn nhanh không bị ánh nắng mặt trời chiếu thẳng góc vào sườn luống làm nhiệt độ trong luống khoai tăng lên có thể là điều kiện thuận lợi cho bọ hà phá hoại củ phát triển.

3. Phương pháp trồng dây khoai lang phẳng dọc luống

Phương pháp này áp dụng cho các ruộng đã được lên luống hoàn chỉnh.

  • Ưu điểm

- Hầu hết các mắt đốt trên thân được nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc phân hoá hình thành củ. Do đó số lượng củ trên 1 dây sẽ tăng lên.

- Củ được phân bố đều trong luống tạo điều kiện thuận lợi cho củ phát triển.

- Thân lá phát triển đều ở cả hai bên sườn luống tạo điều kiện cho kết cấu tầng lá hợp lý nâng cao được hệ số sử dụng ánh sáng và hiệu suất quang hợp thuần của khoai lang.

- Tiến hành các biện pháp chăm sóc, làm cỏ, xới xáo, tưới nước, bón phân thúc, vun luống... được dễ dàng.

  • Nhược điểm

- Kỹ thuật trồng tương đối phức tạp nên thường tốn nhiều công, giá thành chi phí cao.

- Tỷ lệ dây chết cao (bởi phải trồng nông) nhất là trong những thời vụ khi trồng gặp rét (vụ Đông Xuân). Để khắc phục nhược điểm này khi trồng cần chú ý sau khi lấp đất cần ấn chặt cổ dây.

4. Phương pháp trồng dây khoai lang áp tường

Luống chỉ cần lên một bên sườn, đặt dây nghiêng dựa vào sườn luống đó, xong lên nốt sườn luống còn lại để lấp dây.

  • Ưu điểm

- Kỹ thuật trồng đơn giản, trồng nhanh, đỡ tốn công.

- Dây được trồng sâu nên tỷ lệ dây chết rất thấp.

  • Nhược điểm

- Số lượng mắt đốt ra củ nằm sâu, ở vị trí không thuận lợi nên số củ trên dây ít.

- Củ chỉ phát triển ở một bên sườn luống.

- Thân lá phát triển không đều ở cả hai bên sườn luống, kết cấu tầng lá không hợp lý, lá bị che khuất nhau nhiều làm giảm hệ số sử dụng ánh sáng dẫn đến hiệu suất quang hợp thuần thấp.

- Không thuận lợi cho việc chăm sóc, làm cỏ, xới xáo, bón phân, nhấc dây, tưới nước,...

Các phương pháp đặt dây khoai lang

1. Phẳng dọc luống; 2. Áp tường (nghiêng); 3. Đáy thuyền; 4. Móc câu; 5. Đứng

Các phương pháp đặt dây khoai lang

Nguồn: Giáo trình cây khoai lang - Trường đại học nông lâm Thái Nguyên
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status