Kỹ thuật trồng cây cà chua (trồng đại trà)
* Điều kiện sinh trưởng của cây cà chua:
Nhiệt độ: Cà chua là cây chịu ấm, một trong những điều kiện cơ bản để có được sản lượng cao và sớm ở cà chua là tạo chế độ nhiệt độ tối hảo cho cây 21-24oC, nếu nhiệt độ đêm thấp hơn ngày 4-5oC thì cây cho nhiều hoa. Các thời kỳ sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây đòi hỏi nhiệt độ không khí và đất nhất định
Ánh sáng: Cà chua là cây ưa sáng, không nên gieo cây con ở nơi bóng râm, cường độ tối thiểu để cây tăng trưởng là 2.000 - 3.000 lux, không chịu ảnh hưởng quang kỳ. Ở cường độ ánh sáng thấp hơn hô hấp gia tăng trong khi quang hợp bị hạn chế, sự tiêu phí chất dinh dưỡng bởi hô hấp cao hơn lượng vật chất tạo ra được bởi quang hợp, do đó cây sinh trưởng kém.
Nước: Yêu cầu nước của cây trong quá trình dinh dưỡng không giống nhau. Khi cây ra hoa đậu trái và trái đang phát triển là lúc cây cần nhiều nước nhất, nếu đất quá khô hoa và trái non dễ rụng; nếu đất thừa nước, hệ thống rễ cây bị tổn hại và cây trở nên mẫn cảm với sâu bệnh. Nếu gặp mưa nhiều vào thời gian này trái chín chậm và bị nứt. Lượng nước tưới còn thay đổi tùy thuộc vào liều lượng phân bón và mật độ trồng.
Đất và chất dinh dưỡng cho cây cà chua: Cà có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt pha cát, nhiều mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt và chứa tối thiểu là 1,5% chất hữu cơ. Cà trồng tốt nhất sau vụ cải bắp hay dưa leo, những loại cây cần bón nhiều phân hữu cơ và đạm. Cà thích hợp trên đất có pH = 5,5 - 7,0. Đất chua hơn phải bón thêm vôi.
Cây cà chua thường phát triển thân lá nhiều, vì vậy lượng chất dinh dưỡng cây hút khá cao. Với năng suất 50 tấn quả/ha cà chua lấy đi từ đất 150kg N, 40kg P2O5, 300 kg K2O, cùng một lượng đáng kể canxi và magiê.
Cà chua cần nhiều đạm trong thời gian sinh trưởng cho đến khi cây ra quả. Kali cần cho cà chua trong suốt thời gian sinh trưởng và đặc biệt là trong thời gian hình thành quả. Nhu cầu dinh dưỡng của cà chua cao gấp 2 lần dinh dưỡng đạm.
Cân đối đạm-kali là yếu tố quan trọng hàng đầu trong dinh dưỡng của cà chua. Bón cân đối đạm - kali có thể làm tăng năng suất quả cà chua 39-88%với hiệu suất 1 kg K2O tạo ra 89-127 kg quả cà chua trên đất bạc màu. Trên đất xám, bón cân đối đạm- kali làm tăng năng suất cà chua 9-11%.
Lượng kali thích hợp cho cà chua là 120-150kg K2O/ha. Bón cân đối đạm-kali còn làm tăng phẩm chất quả cà chua: tăng kích thước quả, tăng hàm lượng đường trong quả, tăng khả năng chống chịu bệnh của cây. Đặc biệt bón cân đối đạm-kali làm giảm đáng kể số cây bị bệnh chết xanh, bệnh xoăn lá vi rút.
Cà chua không tích luỹ nitrat nhiều trong quả vì ion này phần lớn tập trung ở lá.
* Chuẩn bị đất trồng cây cà chua:
Chọn đất trồng cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy, … (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện). Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Vệ sinh vườn trồng, dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trước, rải vôi trước khi cày xới để diệt một số nấm hại trên mặt đất, phơi ải 7-10 ngày trước khi trồng. Mùa khô lên luống 15-20cm, rãnh 30cm, mặt luống rộng 1,2m trồng hàng đôi. Mùa mưa lên luống 25-30cm, rãnh 30cm, mặt luống rộng 90 cm, trồng hàng đơn.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh.
Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp: Vật liệu và qui cách: Dùng màng phủ khổ rộng 0.9-1m trồng hàng đơn, màng khổ 1,4m trồng hàng đôi. Khi phủ mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên luống cao 15-20cm tùy mùa, mặt luống phải làm bằng phẳng để tăng độ bền màng phủ.
- Bón lót cho cây cà chua: Liều lượng như phần hướng dẫn bón phân, trường hợp bón thúc, đục thêm lỗ gần với gốc cây và sau đó rãi phân vào lỗ đã đục thêm.
- Xử lý mầm bệnh: Phòng trừ nấm bệnh, tuyến trùng và các sâu hại trong đất trước khi đậy màng phủ.
- Đậy màng phủ: Kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây kẽm bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10cm ghim sâu xuống đất (dây kẽm sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạt ghim mé liếp.
* Trồng và chăm sóc cây cà chua:
Kỹ thuật trồng: Trồng vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng không nén đất quá chặt (Lưu ý: cây cà chua ghép không lấp đất cao quá vết ghép. Ở những ruộng trống trải, nhiều gió nên dùng cây choái cũ (ngắn khoảng 30cm), cắm cạnh cây và choàng một sợi dây thun để cây tựa, phòng đổ ngã). Sau khi trồng phải tưới nước ngay để giữ ẩm, dự phòng 5% cây con đúng tuổi để dặm, trồng ra ruộng (trồng giữa các cây trên hàng), để tiện cho việc bứng dặm sau này.
+ Mùa khô trồng hàng đôi: hàng x hàng 70cm, cây x cây 50 cm theo kiểu nanh sấu. Mật độ: 27.000 cây/ha.
+ Mùa mưa: Trồng hàng đơn hàng x hàng 1-1,2m, cây x cây 50-60cm, mật độ 18.000-20.000 cây/ha.
Từ 7-10 ngày sau trồng tiến hành kiểm tra trồng dặm lại các cây bị chết.
Làm cỏ cho ruộng cà chua: Cần phải có biện pháp phòng trừ cỏ dại sớm và duy trì cho đến khi cây cà chua có thể cạnh tranh hiệu quả với cỏ dại. Phải phòng trừ cỏ dại trước khi ra hoa. Phòng trừ cỏ dại thông qua các biện pháp như:
+ Biện pháp cơ giới: Nhổ bỏ cỏ bằng tay, bằng cuốc hoặc máy cắt cỏ.
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc diệt cỏ trước nảy mầm. Lựa chọn thuốc diệt cỏ phù hợp không gây tổn thương đến sự phát triển của cây.
- Tưới nước cho cây cà chua: Từ khi trồng đến hồi xanh tưới 1-2 lần/ngày, sau đó tùy điều kiện thời tiết và độ ẩm đất tưới để tưới, đảm bảo ẩm độ đất khoảng 60-70%; Khi cây cà chua ra hoa cần lượng nước nhiều hơn, đảm bảo ẩm độ đất 70-80%. Mùa mưa chú ý thoát nước, không để ruộng cà chua ứ đọng nước lâu.
- Vun xới cho cây cà chua: Sau trồng 7-10 ngày xới phá váng, sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón phân cho cây cà chua, vun cao luống, để tránh tình trạng đọng nước giữa hàng, bộ rễ phát triển kém. Loại bỏ cây bệnh, quả bệnh, sâu… mùa mưa tỉa bớt lá chân, lá già đã chuyển vàng để vườn được thông thoáng. Gom lá bệnh tiêu hủy xa vườn trồng hoặc gom tập trung để ủ làm phân hữu cơ.
- Làm giàn cho cây cà chua: Khi cây cao 40-60cm làm giàn để giúp cây phân bố đều trên luống, thuận tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
- Tỉa chồi cho cà chua: Cần tỉa kịp thời khi nhánh mới nhú ra 3-5cm để dinh dưỡng tập trung nuôi quả, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gãy, không dùng móng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.
- Tỉa lá cho cà chua: Tỉa bớt lá chân, lá già của cây đã chuyển sang màu vàng để vườn thông thoáng, nhất là những vườn rậm rạp, dễ gây nhiễm bệnh trong mùa mưa. Tuy nhiên, mùa khô cần để lá chân để che bớt nắng tránh bị rám quả.
- Tỉa quả cho cà chua: Mỗi chùm quả chỉ để 4-6 quả, ngắt cuối cành mang quả để dinh dưỡng tập trung nuôi quả tạo cho quả lớn đều cỡ, giá trị thương phẩm cao.
- Bấm ngọn cây cà chua: Đối với giống có thời gian sinh trưởng dài, cao cây, trong giai đoạn gần cuối thu hoạch nên bấm ngọn để quả lớn đều, thu tập trung giúp.
Xem thêm: Video Clip kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà chua - VTV2
-
Cà chua ghép trên gốc cà tím trồng vụ đông thu tiền tỷ/ha, dễ ợt!
Người trồng cà chua vụ đông chỉ cần suất đầu tư xoay quanh 7 - 10 triệu đồng/sào là có thể cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/sào, tương đương hàng tỉ đồng/ha...
- Sử dụng phân bón và chất dưỡng trái cho cây hồ tiêu giai đoạn nuôi trái
- Bí quyết giữ hoa không rụng trong điều kiện nắng nóng
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà