Chuẩn bị đất trồng bầu bí, dưa leo (dưa chuột)

Cây trồng liên quan: Cây dưa leo (dưa chuột)

1. Vệ sinh đồng ruộng

Trước hết, đối với nghề trồng bầu, bí, dưa chuột, vệ sinh đồng ruộng là phương pháp có ý nghĩa cơ bản bởi nó gồm nhiều biện pháp khác nhau, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi (loại bỏ, tiêu diệt các mầm mống dịch hại có trong đất, trên tàn dư cây trồng và trên cỏ dại). Thực tế cho thấy, sau mỗi vụ thu hoạch lúa hoặc cây trồng cạn, nhiều nông dân thường vệ sinh đồng ruộng bằng cách loại bỏ tất cả các tàn dư cây trồng như rơm rạ, thân lá, rễ cây trồng cạn ra khỏi đồng ruộng, đồng thời dọn sạch cỏ bờ (vạc bờ, phun thuốc cỏ cháy). Việc làm này tuy sẽ hạn chế được mầm mống sâu bệnh còn tồn tại trong ruộng như nhộng của sâu đục thân lúa có trong gốc rạ, mầm bệnh lở cổ rễ, bệnh héo rũ trên các loại cây thuộc họ bầu, bí... Tuy nhiên, xét về việc cải tạo đất trồng, tăng chất hữu cơ và độ phì cho đất thì việc làm trên lại không hiệu quả. Làm như vậy sẽ đưa ra khỏi đồng ruộng một khối lượng lớn chất hữu cơ cần thiết cho việc cải tạo đất, nâng cao độ phì cho đất. Vì vậy, cần thiết phải giữ lại khối lượng chất hữu cơ này (gốc, thân lá cây trồng trước) và vệ sinh đồng ruộng theo cách khác như: Cày phơi ải hoặc cho nước vào ruộng ngâm ngấu gốc rạ, cày bừa thật kỹ đồng màu sau khi thu hoạch, dùng vôi bón ruộng, dùng thuốc hóa học diệt sâu, bệnh...

Nhiều cây trồng, tàn dư sau thu hoạch là nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý giá bổ sung lại cho đất trồng như các cây họ đậu đỗ có rễ cố định đạm hoặc các cây lấy củ có thân lá giàu kali. Việc vùi lại những phần này của các cây có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung lại cho đất nguồn dinh dưỡng tự nhiên.

Trong các vườn cây vào mùa đông, khi cây ngừng sinh trưởng, việc tỉa cành, tạo tán sẽ có tác dụng rất lớn để tiêu diệt mầm mống nhiều loài sâu bệnh hại cây. Việc vun gốc thu dọn lá rụng đối với cây lâu năm có tác dụng phá bỏ những nơi ẩn nấp và lưu giữ nhiều loài sâu bệnh.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa trong thực tế sản xuất rau màu hiện nay là nông dân thường xuyên phun thuốc cỏ cháy trên bờ ruộng để ngăn không cho cỏ phát triển mà lan xuống ruộng thay cho việc cắt xén cỏ xung quanh ruộng trước đây. Đây là một việc làm không nên áp dụng trên đồng ruộng nhất là những nơi ruộng cây trồng nọ liền kề ruộng kia. Vì khi phun (nhất là lúc có gió) sẽ không thể tránh khỏi việc thuốc cỏ bám lên cả cây trồng gây táp, héo, chết cây trồng trong ruộng và cây trồng nhà bên. Mặt khác, việc sử dụng thuốc cỏ cháy thường xuyên trên đồng ruộng (1 - 2 lần/vụ) sẽ gây độc hại, ô nhiễm đất, nước, cây trồng, động vật ăn cỏ... Vì vậy, nông dân cần cắt xén cỏ bờ thay cho việc phun thuốc cỏ cháy như vẫn làm.

1.1. Phát quang

- Khu vực sản xuất bầu, bí, dưa chuột phải được dọn sạch cỏ, phát quang bờ, bụi để hạn chế sự lây lan của nguồn bệnh và sự phá hại của các loài gây hại khác như chuột, lợn, gà, trâu, bò...

1.2. Thu dọn tàn dư thực vật

- Tiến hành thu dọn tàn dư thực vật nhằm tránh sự lây lan nguồn sâu, bệnh từ nơi này sang nơi khác.

1.3. Xử lý cỏ dại bằng hóa chất

- Tiến hành phun thuốc trừ cỏ cho khu vực trồng bầu, bí, dưa chuột trước khi trồng khoảng 1 tháng.

1.4. Tạo mặt bằng

- Khu sản xuất được làm phẳng và chuẩn bị lên luống.

Làm đất trồng bầu bí, dưa leo 01

Tạo mặt bằng

2. Làm đất trồng bầu bí, dưa chuột

2.1. Chuẩn bị luống trồng bầu

- Bước 1: Cày đất: Dùng các dụng cụ làm đất để tách đất, lật đất thành tảng, cục đất to

- Bước 2: Làm đất nhỏ

+ Đất nhỏ, vụn, tơi xốp,

+ Đường kính viên đất ở lớp đất mặt thích hợp từ 2 - 3 cm,

- Bước 3: Lên luống

Lên luống rộng 0,7 m, tim luống này cách tim luống kia 1 m, luống cao 0,25 - 0,3 m. Trồng 1 hàng, cây cách cây 0,8 m.

Kích thước luống trồng bầu

Kích thước luống trồng bầu

- Bước 4: San phẳng mặt luống

+ Tạo cho mặt luống được phẳng để tránh đọng nước khi trời mưa

+ Tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển tốt

- Bước 5: Cuốc hố bón phân lót

- Khoảng cách hố

+ Đối với các giống bầu dài: khoảng cách hố 0,8 - 1 m, trồng 1 hàng chính giữa luống.

+ Đối với các giống địa phương: Khoảng cách hố: 0,5 - 1 m

- Bước 6: Rắc một lớp thuốc xử lý đất lên mặt luống để phòng sâu hại cây con có thể dùng Basudin 10H với lượng dùng 27 - 30 kh/ha (tương đương 1 kg/sào)

2.2. Chuẩn bị luống trồng bí

Bước 1: Dụng cụ làm đất

- Máy kéo,

- Máy cày,

- Cày bằng trâu bò,

- Cào, cuốc, xẻng

Máy cày đất

Máy cày

Bước 2: Cày đất

Dùng các dụng cụ làm đất để tách đất, lật đất thành tảng, cục đất to

Cày đất

Cày đất

Bước 3: Làm đất nhỏ

- Đất nhỏ, vụn, tơi xốp,

- Đường kính viên đất ở lớp đất mặt thích hợp từ 2 - 3 cm,

Làm đất nhỏ

Làm đất nhỏ

Bước 4: Lên luống

Nếu làm giàn nên trồng luống rộng: 1,5 - 2,0 m, khoảng cách trồng : cây - cây 40 - 50 cm và hàng - hàng 80 cm.

Nếu không làm giàn (cây bò trên mặt luống) nên luống rộng trên 3,5m, trồng 2 hàng giữa luống, khoảng cách trồng giữa các cây là 40 - 50 cm, hàng x hàng 2,5 - 3 m.

Lượng giống từ 300 - 400 gr/ha, mật độ 5.000 - 6.000 cây/ha.

Chú ý nếu trồng bí bò cần có rơm, rạ… phủ mặt luống cho bí bò và đỡ quả.

Kích thước luống trồng bí

Kích thước luống trồng bí

Bước 5: San phẳng mặt luống

- Tạo cho mặt luống được phẳng để tránh đọng nước khi trời mưa

- Tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển tốt

San phẳng mặt luống trồng bí

San phẳng mặt luống trồng bí

Bước 6: Cuốc hố bón phân lót

- Khoảng cách hố

+ Vụ hè thu: 35 - 40 cm

+ Vụ đông xuân: 40 - 45 cm

Cuốc đất bón phân lót

Cuốc hố bón phân lót

3. Chuẩn bị luống trồng dưa chuột

- Bước 1: Cày đất: Dùng các dụng cụ làm đất để tách đất, lật đất thành tảng, cục đất to.

- Bước 2: Làm đất nhỏ

+ Đất nhỏ, vụn, tơi xốp.

+ Đường kính viên đất ở lớp đất mặt thích hợp từ 2 - 3 cm.

- Bước 3: Lên luống

Vụ mưa làm luống cao:

+ Độ cao của luống: 35 cm

+ Mặt luống: 0,9 - 1m

+ Rãnh: 40 - 50 cm

+ Độ cao của luống: 20 - 25 cm

+ Mặt luống: 0,9 - 1 m

+ Rãnh: 40 - 50 cm

Kích thước luống trồng dưa chuột

Kích thước luống trồng dưa chuột

- Bước 4: San phẳng mặt luống

+ Tạo cho mặt luống được phẳng để tránh đọng nước khi trời mưa.

+ Tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Bước 5: Cuốc hố bón phân lót

- Khoảng cách hố

+ Đối với các giống dưa lai: khoảng cách hố 35 - 40 cm

+ Đối với các giống địa phương: Khoảng cách hố: 25 - 30 cm

- Bước 6: Rắc một lớp thuốc xử lý đất lên mặt luống để phòng sâu hại cây con có thể dùng Basudin 10H với lượng dùng 27 - 30 kh/ha (tương đương 1 kg/sào)

- Bước 7: Phủ màng phủ nilong lên trên luống

- Cố định màng phủ tránh gió tốc bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim hai bên mé màng phủ (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp (trên đất có nhiều sét, mềm và dẽo), cũng có thể lắp đất tấn xung quanh mé liếp.

- Bước 8: Đục lỗ màng phủ:

- Dùng lon sữa bò, có khoét lổ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 50 - 70 cm để đo khoảng cách, đốt than nóng cho vào trong lon.

Đục lỗ màng phủ

Đục lỗ màng phủ

- Bước 9: Xăm lỗ mặt đất:

+ Dùng chày tỉa xăm lỗ đường kính rộng 7-8 cm. Độ sâu tùy cách gieo hột: gieo thẳng (xăm lỗ cạn 2-3 cm), còn đặt cây con (xăm sâu 5-7 cm).

Đục hốc trồng

Đục hốc trồng

4. Tiêu chuẩn đất trồng bầu bí, dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP

4.1. VietGAP là gì?

VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như:

- Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.

- An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.

- Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.

- Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

* Cụ thể là việc quy định rõ ràng những yếu tố chính trong sản xuất nông nghiệp như:

1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất.

2. Giống và góc ghép

3. Quản lý đất và giá thể

4. Phân bón và chất phụ gia

5. Nước tưới

6. Hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật)

7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

8. Quản lý và xử lý chất thải

9. An toàn lao động

10. Ghi chép, lưu trử hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm

11. Kiểm tra nội bộ

12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

4.2. Xét nghiệm mẫu đất cho vùng trồng rau VietGAP

- Các vùng sản xuất bầu, bí, dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP phải được lấy mẫu để phân tích mức giới hạn tối đa cho phép của các kim loại nặng trong đất như: Chì, cadimi, thủy ngân, asen.

- Phương pháp lấy mẫu đất: Lấy mẫu theo phương pháp 5 điểm chéo góc, mẫu đất được lấy phải đại diện cho vùng sản xuất.

- Điểm thứ 1 cách bờ 5 m

- Điểm thứ 2 cách bờ 5 m

- Điểm thứ 3 lấy ở khu vực chính giữa vườn

- Điểm thứ 4 cách bờ 5 m

- Điểm thứ 5 cách bờ 5 m

Cách lấy mẫu đất theo 5 điểm chéo góc

Cách lấy mẫu đất theo 5 điểm chéo góc

- Sau khi lấy mẫu đất, gửi các mẫu này đến các Viện nghiên cứu để xét nghiệm. Mức giới hạn tối đa cho phép của các kim loại nặng trong đất phải đạt yêu cầu như trong bảng dưới

Bảng mức giới hạn tối đa cho phép của kim loại nặng đối với đất

Ngưỡng giới hạn kim loại nặng

Nguồn: Giáo trình nghề trồng bầu bì, dưa leo - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status