Chăm sóc ruộng khoai sau khi trồng

1. Tưới nước giữ ẩm

1.1. Ảnh hưởng của độ ẩm đất đến khả năng mọc mầm của củ khoai tây

- Trong quá trình này mầm của củ thì yếu tố nhiệt độ và ẩm độ là hai yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định đến khả năng mọc mầm của củ giống.

- Độ ẩm đất 70 - 75% thích hợp cho quá trình này mầm và mọc của củ giống khoai tây.

- Khi đất quá ẩm sẽ làm cho củ giống bị thối. Ngược lại đất quá khô củ giống không mọc mầm được hoặc này mầm lâu cây sẽ sinh trưởng kém.

- Để thuận lợi cho quá trình này mầm cần chú ý chọn thời điểm đất có độ ẩm từ 70-80% (khi nắm đất vào bàn tay nước không chảy ra kẽ ngón tay) thì mới trồng.

- Nếu đất quá ướt không nên trồng khoai tây sẽ làm thối củ giống nhất là những củ giống đã cắt (bổ) thành miếng.

- Nếu đất quá khô (độ ẩm dưới 50%) thì sau khi trồng được 3 - 4 ngày cần đưa nước vào ruộng ngập 1/2 chiều cao của rãnh sau đó tháo cạn nước ở rãnh tránh để đọng nước sẽ làm thối củ giống nhất là những miếng củ giống bổ.

1.2. Xác định độ ẩm đất

- Xác định được độ ẩm đất thích hợp là việc làm hết sức cần thiết và quyết định đến khả năng này mầm của củ giống.

- Thông thường vụ khoai tây đông là thời vụ chính ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Trước khi thu hoạch lúa 1-2 tuần lễ đã phải quan tâm đến độ ẩm đất. Cần điều chỉnh tháo nước để ruộng lúa khô vừa phải, thuận tiện cho gặt lúa, đồng thời làm đất nhẹ nhàng, nhất là khi trồng khoai, đất có độ ẩm, cây sẽ mọc nhanh.

- Để nhận biết đất có đủ ẩm thích hợp hay không ta có cách kiểm tra như sau:

+ Bước chân xuống ruộng không thấy mặt đất lún xuống in vết bàn chân là đất đủ độ ẩm nếu trồng thì củ giống mọc mầm sẽ thuận lợi.

+ Hoặc dùng tay nắm đất cho vào lòng bàn tay nắm mạnh, nếu thấy đất nắm được thành nắm và bóp nhẹ đất rời ra là đất vừa đủ ẩm. Độ ẩm như vậy đạt 70 – 75 % thích hợp cho củ giống mọc mầm.

- Ngược lại nếu nắm đất vào lòng bàn tay mà nước chảy qua các kẽ ngón tay tức là đất quá ẩm.

1.3. Chuẩn bị nước tưới và dụng cụ, thiết bị tưới

- Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất khoai tây nói riêng . Hệ thống nước tưới giữ vai trò quan trọng nó quyết định quy mô của sản xuất.

- Nguồn nước tưới cho khoai tây ở những vùng trồng khoai tây cần có nguồn nước chủ động như: Ao, hồ, mương máng chứa nguồn nước dự trữ trong mùa đông khô hạn.

Hệ thống mương máng cung cấp nước

Hệ thống mương máng cung cấp nước

- Dụng cụ và thiết bị tưới cho khoai tây có liên quan đến quy mô sản xuất và các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.

1.4. Tưới nước

- Trong sản xuất căn cứ vào nhu cầu nước của cây và độ ẩm của đất để quyết định thời điểm và lượng nước tưới.

- Trong các giai đoạn sinh trưởng của cây khoai tây nhu cầu nước rất khác nhau.

- Giai đoạn mọc mầm và mọc nhu cầu nước không cần nhiều nên chỉ cần duy trì độ ẩm 75 -80% là đủ cho củ giống mọc mầm. Vì thế tưới nước cho cây giai đoạn này là tưới giữ ẩm là chủ yếu.

- Đối với diện tích trồng nhỏ nên dùng ô doa tưới trên bề mặt để giữ ẩm cho bề mặt luống.

Tưới nước cho khoai tây mới trồng bằng ô doa

Tưới nước cho khoai tây mới trồng bằng ô doa

- Nếu diện tích nhỏ và giai đoạn mới trồng được 3 -5 ngày đất quá khô thì dùng quang gánh thùng, xô và ô doa để tưới trên bề mặt luống khoai tây nhằm cung cấp độ ẩm tạo điều kiện cho củ giống mọc mầm thuận lợi (hình 3.3.2).

- Trong trường hợp diện tích lớn và giai đoạn cây sinh trưởng thân lá, hình thành tia củ và tia củ phình to. Đây là giai đoạn cây khoai tây yêu cầu nhiều nước nhất thì phải tưới nước cho cây bằng phương pháp tưới rãnh.

- Trong sản xuất phương pháp tưới rãnh là phổ biến đối với những vùng trồng khoai tây có địa hình bằng phẳng, nguồn nước chủ động và dồi dào (hình 3.3.3). Phương pháp tưới rãnh tiến hànhnhư sau:

- Đưa nước vào rãnh cho tự ngấm từ 10 – 12 giờ rồi tháo cạn nước ở rãnh, không để đọng nước sẽ làm chết cây hoặc thối củ.

Tưới nước cho khoai tây bằng phương pháp tưới rãnh

Tưới nước cho khoai tây bằng phương pháp tưới rãnh

- Tưới nước phải kết hợp liên hoàn với xới xáo, làm cỏ và bón phân thúc. Từ khi trồng đến khi khoai tây được 60-70 ngày tuổi thường có 3 lần tưới nước. Tuy nhiên năm nào mưa nhiều thì tưới ít còn năm nào hạn thì tưới nhiều, tưới đủ ẩm không để đọng nước trong ruộng khoai.

- Tưới lần 1: Khi cây khoai mọc cao khoảng 15-20cm. Đất khô thì tưới nước với đât cát pha cho nước vào rãnh ngập 1/2 luống.

- Mỗi lần chỉ nên cho vào 3-4 rãnh khi được đủ nước thì tiếp tục cho vào 3 -4 rãnh tiếp theo. Lấp kín các đầu rãnh đã đủ nước và tháo các đầu rãnh định lấy nước vào. Như vậy nước thấm đều vào luống.

- Với đất thịt nhẹ thì cho nước vào rãnh ngập 1/3 luống và cho nước vào cùng nhiều rãnh hơn vì đất thịt thấm nước chậm hơn.

- Tưới lần 2: Khoảng 2-3 tuần sau khi tưới lần 1, đất khô thì tưới lần 2. Đất pha cát cho nước ngập 2/3 luống, đất thịt nhẹ cho ngập 1/2 luống và làm như tưới lần 1.

- Tưới lần 3: Khoảng 2-3 tuần sau khi tưới lần 2, đất khô thì tưới lần 3 và làm tương tự như lần 2. Sau khi tưới lần 3 coi như chấm dứt giai đoạn tưới nước và chỉ đợt đến ngày thu hoạch.

- Đối với những vùng có địa hình không bằng phẳng, nguồn nước ít, hiếm không chủ động được thì người ta áp dụng phương pháp tưới phun mưa nhằm mục đích tiết kiệm nước và đảm bảo độ đồng đều nước cho cả cánh đồng.

1.5. Kiểm tra độ ẩm đất sau tưới

- Sau khi tưới cần kiểm tra độ ẩm đất để kịp thời điều chỉnh cho thích hợp.

- Nếu đất đã ngấm đủ nước mà rãnh còn nước đọng lại thì tiếp tục tháo cho kiệt nước, càng tháo nước hết nước nhanh càng tốt.

- Nếu đất vẫn chưa đủ ẩm thì tiếp tục đưa nước vào rãnh cho đủ ẩm rồi lại tháo cạn không để đọng nước ở rãnh.

- Để kiểm tra độ ẩm đất sau khi tưới bằng cách: Bước chân xuống ruộng thấy mặt đất lún xuống in rõ vết bàn chân là đất vừa đủ độ ẩm. Ngược lại nếu không thấy lún bàn chân là đất khô còn nếu lún sâu là đất quá ướt.

- Hoặc có một cách khác để nhận biết độ ẩm đất là nắm đất vào lòng bàn tay nếu thấy nước chảy ra kẽ ngón tay là đất ướt, nếu đất cứng rời không nắm được là đất khô, còn nếu nắm thành nắm và bóp nhẹ đất rời ra là đất đủ độ ẩm.

- Kiểm tra độ ẩm đất sau mỗi lần để nắm được nhu cầu nước của cây khoai tây qua các thời kỳ sinh trưởng phát triển.

- Trong các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây thì giai đoạn hình thành củ và củ phình to cần nhiều nước nhất tránh để ruộng khoai tây bị khô quá và cũng tránh trường hợp tưới nhiều nước quá để cây bị ngập úng. Cả hai trường hợp trên đều làm giảm năng suất của ruộng khoai tây.

2. Che phủ luống

2.1. Tác dụng của việc che phủ mặt luống

- Việc che phủ mặt luống có những tác dụng sau:

+ Giữ ẩm và giữ ấm cho luống khoai tây khi gặp điều kiện nhiệt độ thấp, trời hanh khô, chống rẽ đất khi gặp trời mưa giúp cho mầm mọc nhanh.

+ Hạn chế cỏ dại mọc trên mặt luống và xung quanh mép luống. Giúp cho đất xung quanh gốc khoai luôn tơi xốp, thoáng khí tạo điều kiện cho bộ rễ sinh trưởng phát triển khoẻ.

+ Hạn chế bệnh hại, hạn chế côn trùng gây hại

+ Giữ độ ẩm cho đất và cấu trúc đất, giữ phân bón

+ Tăng nhiệt độ đất và tăng khả năng quang hợp,tăng giá trị thương phẩm của củ. Đất tơi xốp thoáng khí là điều kiện thuận lợi để thân ngầm hình thành củ, củ nhanh phình to, mẫu mã củ đẹp ít bị biến dạng

+ Giảm chi phí về công làm cỏ, xới xáo và vun cao.

+ Để giải quyết lượng rơm rạ dư thừa trên đồng ruộng đồng thời thuận tiện cho việc thu hoạch vì đất tơi xốp.

2.2. Lựa chọn vật liệu che phủ

- Thông thường trồng khoai tây vụ đông là chính vụ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm thì tiến hành trồng khoai tây. Toàn bộ lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng nhất khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

- Vì vậy nên tận dụng được lượng rơm, rạ để lại trên ruộng vừa đỡ công vận chuyển lại vừa bổ sung nguồn phân hữu cơ cải tao đất rất tốt. Đồng thời không phải đốt rơm, rạ vừa gây ô nhiễm môi trường lại vừa phá vỡ két cấu của đất 

Che phủ luống khoai tây bằng rơm rạ

Che phủ luống khoai tây bằng rơm rạ

- Ngoài rơm rạ là phế thải của nông nghiệp tại chỗ sau khi thu hoạch lúa mùa xong không phải mất công vận chuyển mà tận dụng làm vật liệu che phủ luống khoai tây.

- Ở những vùng sử dụng rơm rạ vào mục đích khác như: trồng nấm, sản xuất đồ sành đồ sứ thì che phủ luống khoai tây người ta dùng nilon màu đen để che phủ (hình 3.3.5)

Che phủ luống khoai tây bằng màng nhựa plastic

Che phủ luống khoai tây bằng màng nhựa plastic

- Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, trồng khoai tây trên luống phủ màng nhựa plastic gặp một số khó khăn nhất định như:

- Ðầu tư kinh phí cao, màng phủ sau khi sử dụng, nếu không có biện pháp xử lý tốt như đốt, chôn vùi... mà đem vứt bừa bãi lâu ngày sẽ gây ô nhiễm môi trường đất.

- Vì thế lựa chọn nguyên liệu là rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa để che phủ cho khoai tây khi trồng vừa đem lại lợi ích kinh tế cao vừa giảm thiểu và tránh được ô nhiễm môi trường.

- Biện pháp lựa chọn rơm ra để trồng khoai tây đang là hướng đi đúng theo phương châm sản xuất nông nghiệp bền vững.

2.3. Chuẩn bị nguyên liệu che phủ

- Trong sản xuất hiện nay có hai phương pháp trồng khoai tây: Phương pháp truyền thống và phương pháp tối thiểu.

- Với phương pháp truyền thống, có thể đưa rạ xuống dưới đáy luống rồi cày vùi lấp trước khi đặt củ giống thì cứ 1 sào Bắc bộ (360m2) rơm rạ đủ trồng cho 1 sào khoai tây.

- Với phương pháp làm đất tối thiểu dùng rơm rạ để che phủ lên trên bề mặt luống cứ trồng 1 sào Bắc bộ(360m2) khoai tây thì cần 3 sào rơm rạ che phủ mặt luống.

- Khi lựa chọn phương pháp trồng trên cơ sở căn cứ vào lượng rơm, rạ có sẵn của mình. Rơm rạ thu gom lại trên bờ ruộng hoặc nơi gần ruộng trồng khoai tây để hạn chế công vận chuyển.

- Trong trường hợp không có rơm rạ thì sử dụng nilon che phủ mặt luống chú ý dùng nilon màu đen để tạo bóng tối để củ hình thành phát triển

2.4. Che phủ mặt luống

- Che phủ mặt luống tiến hành như sau:

Bước 1: Lựa chọn nguyên, vật liệu che phủ. Yêu cầu

+ Tận dụng những nguyên,vật liệu có sẵn ngoài đồng ruộng (hình 3.3.6).

+ Giảm chi phí vận chuyển và giảm chi phí sản xuất

+ Nhanh hoai mục, tạo độ tơi xốp cho đất.

Rơm rạ trên cánh đồng sau khi thu hoạch lúa

Rơm rạ trên cánh đồng sau khi thu hoạch lúa

Bước 2: Chuẩn bị nguyên, vật liệu che phủ.

+ Đối với rơm rạ trung bình cứ 3 sào rơm rạ thì che phủ cho 1 sào khoai tây.

+ Đối với nilon che phủ thì cứ trồng 1 sào Bắc bộ khoai tây cần 2 - 2,5 kg nilon đen.

- Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà lựa chọn các nguyên, vật liệu che phủ cho phù hợp, giảm chi phí sản xuất, tận dụng nguyên vật liệu có sẵn trên đồng ruộng.

Bước 3: Che phủ mặt luống. Yêu cầu:

- Độ dày lớp che phủ từ 5 -7cm (hình 3.3.7).

- Mặt luống được che phủ kín theo chiều dọc của luống.

a.Che phủ rơm rạ sau khi trồng - b. Khi cây mọc tiếp tục phủ kín luống bằng rơm rạ

a.Che phủ rơm rạ sau khi trồng - b. Khi cây mọc tiếp tục phủ kín luống bằng rơm rạ

3. Trồng dặm

3.1. Kiểm tra mật độ cây sau trồng

- Đảm bảo mật độ tức là đảm bảo số cây trên đơn vị diện tích là biện pháp nhằm nâng cao năng suất khoai tây.

- Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy những ruộng khoai tây đảm bảo mật độ thì cho năng suất cao.

- Thông thường sau trồng từ 10 -15 ngày cần kiểm tra thấy ruộng khoai tây mọc không đều, bị mất khoảng cần tiến hành trồng dặm ngay. Càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo độ đồng đều khi thu hoạch.

- Kiểm tra mật độ là ra đồng ruộng bới những hốc khoai tây đã trồng thấy củ giống bị thối hoặc mầm không có khả năng mọc thì tiến hành trồng dặm ngay nhằm đảm bảo độ đồng đều.

- Việc kiểm tra mật độ cây sau trồng cần tiến hành sớm ngay sau khi trồng 7-10 ngày. Nếu thấy mất khoảng thì phải tiến hành trồng dặm bổ sung kịp thời tránh trồng dặm muộn đến lúc thu hoạch những cây trồng dặm vẫn chưa được thu hoạch.

3.2. Tính lượng củ hoặc cây giống cần dặm bổ sung.

- Căn cứ vào tỷ lệ củ giống bị thối, hư hỏng không này mầm được để xác định lượng giống cần trồng dặm.

Ví dụ: Sau khi kiểm tra đồng ruộng thấy tỷ lệ này mầm chỉ đạt 70% tức là tỷ lệ không mọc mầm được là 30%.

- Vậy lượng giống cần để dặm bổ sung bằng 30% của lượng giống trồng cho 1 sào Bắc bộ và sẽ từ 15 -18 kg/sào Bắc bộ củ giống để dặm.

3.3. Chuẩn bị củ cây giống cần dặm bổ sung

- Trong thực tế sản xuất khoai tây thương phẩm hoặc nhân giống khi dặm khoai tây vào những chỗ mất khoảng thì biện pháp chủ yếu là dặm bằng củ giống đã dược ủ mọc mầm.

- Việc sử dụng những củ giống đã mọc mầm nhằm đảm bảo độ đồng đều trên ruộng khoai tây kể cả đến lúc thu hoạch. Tránh tình trạng khi thu hoạch cây đã chín sinh lý trong khi đó có những cây còn xanh.

- Thông thường nên để một lượng củ giống nhất định để dặm và phải ủ cho củ mọc mầm.

- Cũng có khi sử dụng mầm khoai tây để dặm. Người ta tiến hành tách mầm ở những khóm có số lượng mầm trên 4 mầm.

- Tuy nhiên dặm bằng mầm thì hệ số không cao nhưng nếu tách mầm không cẩn thận sẽ làm tổ thương đến mầm bên cạnh, gây vết thương cơ giới đây chính là nơi các nấn bệnh hại xâm nhập vào thân cây.

3.4. Dặm củ, cây giống vào vị trí mất khoảng

- Sau khi củ khoai tây mọc lên khỏi mặt đất đi kiểm tra xem những chỗ mầm chưa mọc. Nếu lý do mọc chậm thì không phải dặm mà chỉ dặm những chỗ củ giống bị thối không mọc mầm được.

- Cần tiến hành dặm càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo độ đồng đều về sức sinh trưởng của ruộng khoai tây. Trong trường hợp dặm muộn cây sẽ sinh trưởng không đồng đều đến khi thu hoạch có cây đã được thu hoạch còn một số cây chưa được thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nhất là tiến độ thu hoạch.

- Khi dặm xong chú ý tưới nước đủ ẩm để mầm mọc nhanh, tránh tình trạng mầm mọc quá chậm ảnh hưởng đến độ đồng đều của cả ruộng khoai tây.

 

Nguồn: Giáo trình mô đun trồng khoai tây thương phẩm - Nhân giống và trồng khai tây (Bộ NN&PTNT)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status