Chăm sóc cây hồ tiêu, phần 3: Thiết kế lô trồng tiêu

Cây trồng liên quan: Cây hồ tiêu

Trong bài này bạn đọc sẽ: Hiểu được yêu cầu kỹ thuật và các cơ sở khoa học khi thiết kế lô trồng tiêu, các công việc cần thực hiện khi thiết kế lô; Thiết kế được lô trồng đảm bảo kỹ thuật.

1. Yêu cầu kỹ thuật thiết kế lô trồng cây hồ tiêu

- Vườn tiêu phải được thiết kế hoàn chỉnh ngay từ đầu, hệ thống đường giao thông, đai rừng chắn gió, các công trình tưới và tiêu nước…phải được thiết kế đồng bộ.

- Bảo vệ được đất, chống được xói mòn.

- Hạn chế được các yếu tố bất thuận của tự nhiên như gió, rét, nắng, hạn…

- Thuận tiện cho vệc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm, tưới nước và các khâu cơ giới khác.

- Tỉ lệ sử dụng đất cao.

2. Cơ sở khoa học để thiết kế lô trồng cây hồ tiêu

- Đặc tính của từng giống tiêu

- Điều kiện đất đai, địa hình

- Trình độ thâm canh

- Loại trụ, chiều cao trụ

3. Một số mật độ khoảng cách trồng cây hồ tiêu phổ biến

- Trụ đúc bê tông: khoảng cách trồng 2 x 2,5m, mật độ 2000 trụ/ha.

- Trụ xây gạch:

+ Trụ gạch vuông: khoảng cách trồng 2,5 x 2,5m, mật độ 1600 trụ/ha.

+ Trụ gạch tròn: khoảng cách trồng 3 x 3m, mật độ 1100 trụ/ha.

- Trụ gỗ: khoảng cách trồng 2 x 2m, mật độ 2500 trụ/ha.

- Trụ sống:

+ Trụ là cây keo dậu, cây lồng mức gòn, gạo … khoảng cách trồng 2,5 x 2,5m, mật độ 1600 trụ/ha.

+ Trụ là cây muồng đen: khoảng cách trồng 3 x 3m, mật độ 1100 trụ/ha.

4. Kỹ thuật thiết kế lô cây hồ tiêu

4.1 Thiết kế diện tích lô

Tùy theo điều kiện địa hình mà thiết kế diện tích lô rộng từ 0,5 - 1 ha để thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý và thu hoạch.

4.2 Thiết kế hệ thống đường giao thông

- Đường trục:

+ Là đườ ng nối liền giữa khu trung tâm với các khu trồng tiêu và giữa các khu trồng tiêu với nhau.

+ Đường trục có thể là hệ thống đường liên xã, liên thôn dùng để chuyên chở vật tư, sản phẩm.

+ Mặt đường rộng khoảng 4-5m, được rải đá cấp phối, hai bên mép đường có rãnh thoát nước.

- Đường lô: Là đường nối liền vườn tiêu với đường trục, rộng 3-4m.

Đường lô

Đường lô

4.3 Thiết kế đai rừng chắn gió

- Tác dụng:

+ Gió mạnh, gió nóng làm tăng nhanh quá trình bốc thoát hơi nước, làm cho trụ tiêu bị đổ ngã.

+ Những khu vực trồng tiêu tập trung quy mô lớn thì việc bố trí hệ thống đai rừng là hết sức cần thiết nhằm hạn chế tác hại của gió.

- Loại cây thường được sử dụng để làm hệ thống đai rừng là cây muồng đen, cây mít…

- Thời vụ trồng: Vào đầu mùa mưa, có thể trồng trước hoặc ngay sau khi trồng tiêu

- Kỹ thuật trồng cây đai rừng:

+ Đai rừng chắn gió chính: bố trí thẳng góc với hướng gió chính, rộng 9 m, khoảng 6 hàng muồng đen, hàng cách hàng 1,5m, cây cách cây 2 m, trồng theo kiểu nanh sấu.

+ Đai rừng chắn gió phụ: bố trí thẳng góc với hướng của đai rừng chính, rộng khoảng 6 m, gồm 4 hàng muồng đen.

+ Những vườn tiêu quy mô nhỏ có thể sử dụng hệ thống cây ăn quả như mít, bơ, xoài, nhãn… để chắn gió cho vườn tiêu.

Trồng cây muồng đen làm đai rừng chắn gió cho vườn tiêu

Trồng cây muồng đen làm đai rừng chắn gió cho vườn tiêu

4.4 Thiết kế chống xói mòn

- Trên đất có độ dốc > 150 không nên trồng tiêu.

- Khi trồng tiêu trên đất dốc cần chú ý đến công tác chống xói mòn như: + Bố trí các hàng trụ tiêu vuông góc với hướng dốc

+ Chừa rừng chỏm đồi

+ Cứ cách 100 m thì trồng một băng cây phân xanh

+ Ngoài ra vào mùa mưa khi vườn tiêu còn nhỏ, nên tiến hành trồng xen, trồng cây che phủ đất cũng có tác dụng rất tốt nhằm hạn chế xói mòn, rửa trôi.

4.5 Thiết kế chống úng

- Đào mương và rãnh thoát nước:

+ Khoảng 10-15m tiến hành đào một rãnh thoát nước vuông góc với hướng đốc chính

+ Rãnh sâu 15-20cm so với mặt bồn, rộng 20cm, giữa hai hàng trụ tiêu.

+ Dọc theo hướng dốc chính, khoảng 30-40m, thiết kế một mương sâu 30-40cm, rộng 40cm, giữa hai hàng trụ tiêu, mương thẳng góc với rãnh thoát nước.

- Trong mùa mưa cần kiểm tra và tu sửa kịp thời hệ thống mương rãnh thoát nước.

Rãnh thoát nước trong vườn tiêu

Rãnh thoát nước trong vườn tiêu

4.6 Thiết kế hệ thống tưới

Trên các vườn tiêu quy mô lớn, hệ thống ống tưới chính nên bố trí ngầm trong đất để chủ động tưới và tránh làm tổn thương dây tiêu khi kéo ống.

Nguồn: Giáo trình cây Hồ Tiêu - Bộ NT&PTNT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status