Cây sa nhân tím
1. Giá trị kinh tế của cây sa nhân tím
Sa nhân tím là một loại dược liệu quý, ở Việt Nam Sa nhân đã được biết đến từ rất lâu đời là vị thuốc cổ truyền trong y học dân tộc. Sa nhân tím là vị thuốc quí, chuyên trị nhiều loại bệnh về đường ruột. Bước đầu đã thống kê được 60 đơn thuốc có vị Sa nhân dùng trong các trường hợp ăn không tiêu, kiết lỵ, đau dạ dày, phong tê thấp, sốt rét, đau răng, phù thũng. Ngoài ra, Sa nhân còn được dùng làm gia vị, hương liệu để sản xuất xà phòng, nước gội đầu và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Việc trồng Sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng góp phần hạn chế xói mòn, ngăn chặn và hạn chế lũ lụt nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. Cây Sa nhân tím không tranh chấp đất với các loại cây trồng khác mà chỉ tận dụng đất dưới tán rừng để tăng nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích.
2. Đặc điểm hình thái cây sa nhân tím
Sa nhân tím là cây thân thảo sống lâu năm, thân rễ khoẻ, bò lan dưới đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất, tái sinh bằng thân ngầm. Chiều cao cây 2,0-2,5m, là loài duy nhất có bẹ lá ôm thân bong ra ở gần đỉnh bẹ dài 2-3cm. Lá hình elip, hình mác, chiều rộng 4-6cm, chiều dài 30-35cm. Hoa dạng bông mọc cụm từ thân ngầm, có cán, mỗi cụm thường 8-12 bông. Cánh hoa màu trắng, có sọc đỏ ở giữa, viền vàng, bầu hơi phồng có lông và vòi nhụy có lông tơ ngắn. Cụm quả từ 4-8 quả, cuống quả ngắn có gai, quả hình tròn hoặc hình trứng trên có những gai nhỏ, quả dài 2 cm, rộng 12 - 15 mm, hạt có đường kính 3 mm.
Cây Sa nhân dưới tán rừng
3. Điều kiện gây trồng cây sa nhân tím
3.1. Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở đâu?
Cây Sa nhân thuộc loại cây nhiệt đới, chỉ sinh trưởng ở những vùng có độ ẩm cao, nhiều sương mù và dưới tán cây rừng.
Sa nhân tím phân bố nhiều ở một số tỉnh như Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Gia Lai... Tại Quảng Ngãi, Sa nhân tím phân bố ở tất cả 6 huyện miền núi và tập trung nhiều ở huyện Ba Tơ, Minh Long...
3.2. Điều kiện sinh thái của cây sa nhân tím
Sa nhân chỉ trồng thích hợp ở vùng rừng núi, cao dưới 800m so với mực nước biển, lượng mưa trung bình/năm 1.000-3.000mm.
Cây Sa nhân thuộc loại cây nhiệt đới, thích hợp ở nhiệt độ bình quân hằng năm từ 22oC – 28oC. Ở nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cây phát triển kém và ít đậu quả. Sa nhân ưa bóng, chủ yếu sống dưới tán cây rừng. Khi bị tán cây rừng che bóng quá nhiều thì mọc rất rậm rạp, ít ra hoa kết quả .
Cây Sa nhân thường mọc trên các sườn núi, ở độ cao khoảng 300-350 m so với mặt biển trở lên. Sa nhân thường phát triển tốt ở những vùng có lượng mưa hàng năm khoảng 2500 mm, độ ẩm bình quân hàng năm trên 80%.
Cây Sa nhân trong tự nhiên có khả năng thích nghi với nhiều loại đất, nhưng sinh trưởng tốt và cho sản lượng quả cao trên vùng đất đồi núi có pha cát, có độ ẩm trong đất từ 50-60% và thoát nước tốt. Vùng đất chọn để trồng Sa nhân phải có nhiệt độ không quá cao hoặc quá thấp, dao động từ 22oC - 30oC. Ðêm và sáng sớm thường có sương mù là tốt nhất để cây Sa nhân dễ ra hoa và đậu quả. Đất xốp, còn tính chất đất rừng, ẩm mát không dốc lắm, dưới độ tán che 0,5-0,6. Không nên trồng ở nơi đất mỏng, khô hạn, nghèo hoặc đất rừng có độ tán che quá lớn.