Cây Lá lốt
Tên khoa học: Piper lolot C.DC.
Thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae
1. Nguồn gốc cây lá lốt
Lá lốt có nguồn gốc ở các nước Đông Á, phân bố chủ yếu ở các nước Lào, Campuchia, Việt Nam. Lá lốt là loài cây thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt. Ở nước ta, cây lá lốt mọc hoang và thường được trồng tại nhiều nơi ở miền Bắc.
2. Đặc điểm sinh thái cây lá lốt
Cây lá lốt ưa mọc những nơi râm mát, ẩm ướt, cây phát triển tốt, bản lá to, cây xanh mướt. Khi mọc ở những nơi có ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ cao, cây phát triển chậm, lá nhỏ, dày và bị xoăn, thiếu nước cây bị khô héo.
Cây lá lốt ưa râm mát, ẩm ướt
3. Đặc điểm hình thái cây lá lốt
- Thân cây: Lá lốt là cây thân mềm (cây thân thảo), thân hơi có lông, có thể mọc cao tới 1m, chiều cao trung bình từ 30-50cm, mọc lan quanh đất. Thân có nhiều đốt
- Lá cây: Lá hình trứng rộng, phía gốc hình tim, mọc so le, đầu lá nhọn. Phiến lá dài khoảng 13cm, rộng 8,5 cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân, cuống lá dài khoảng 2,5 cm. Ở những nơi đất tốt, ẩm ướt, có bóng lá lốt phát triển tốt bản lá rất to.
Lá hình trứng rộng, hình tim, đầu lá nhọn
- Hoa lá lốt: Mọc thành cụm, ở nách lá. Cụm hoa mọc thành bông, bông hoa cái dài chừng 1cm, cuống dài 1cm. Cây ra hoa vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Cụm hoa cây lá lốt
- Quả: Cây lá lốt đủ độ già sẽ có quả. Quả lá lốt là quả mọng, thường chỉ chứa 1 hạt.
4. Kỹ thuật nhân giống và trồng cây lá lốt
- Lá lốt rất dễ sống và dễ trồng. Thường được trồng bằng thân cành, cắt từng khúc dài khoảng 20-25cm. Khi trồng cành, được tưới đủ ẩm, khoảng 5-7 ngày từ các đốt thân sẽ hình thành rễ và bật mầm.
- Lá lốt thường được nhân dân trồng lấy lá làm gia vị, làm thuốc.