Cách thu hoạch, sơ chế và bảo quản Giảo cổ lam
1. Thu hoạch giảo cổ lam
1.1. Mục đích của việc thu hoạch sản phẩm
- Chủ động nguồn thuốc trong điều trị bởi nguyên liệu dùng làm thuốc chỉ sinh trưởng và phát triển theo từng mùa, không phải lúc nào cũng có được nguyên liệu tốt dùng trong phòng, trị bệnh. Đặc biệt hoạt chất có trong vị thuốc cũng không được phân bố đều trong tất cả các bộ phận hay tồn tại trong cây cả bốn mùa.
1.2. Nguyên tắc chung khi thu hoạch sản phẩm
- Nguyên tắc 1: Thu hoạch đúng thời kỳ
- Nguyên tắc 2: Thu hoạch đúng bộ phận.
1.3. Thu hoạch giảo cổ lam
1.3.1. Thời điểm thu hoạch
- Sau 3 - 4 tháng sau khi trồng (tùy theo tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây) có thể tiến hành thu hoạch dược liệu. Thu hoạch dược liệu cần dựa trên 2 yêu cầu: Năng suất và chất lượng sản phẩm. Để đạt được mục tiêu đó cần phải chú ý những yếu tố sau:
- Tránh thu cây sau những đợt mưa dài, lúc đó hàm lượng hoạt chất thấp và tỷ lệ dược liệu tươi/khô cao (vì cây chứa nhiều nước).
- Nên thu dược liệu vào những ngày nắng to, để đảm bảo việc phơi sấy, tạo chất lượng dược liệu tốt, có màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng của dược liệu giảo cổ lam.
- Không được thu cây sau khi bón phân hoặc phun thuốc. Phải cách ly ít nhất 3 tuần.
1.3.2. Phương pháp thu hoạch giảo cổ lam
- Thu toàn cây chỉ để lại phần gốc cách mặt đất khoảng 20 - 30 cm, để cây có điều kiện tiếp tục tái sinh sau khi chăm bón.
- Năng suất trung bình đạt 83 - 120 kg/sào Bắc bộ (360m2)/lần thu.
2. Sơ chế sản phẩm giảo cổ lam
2.1. Mục đích sơ chế sản phẩm
- Chủ động nguồn thuốc trong điều trị
- Dễ bảo quản, dễ vận chuyển, hay chế biến sang các dạng khác
2.2. Nguyên tắc sơ chế
- Phơi khô từ từ để lượng nước bề mặt thoát ra từ từ đến các tế bào bên trong. Nếu phơi ở nhiệt độ cao ngay từ đầu, phía ngoài mất nước nhanh dễ rắn chắc lại, làm cho nước ở bên trong thoát ra khó. Do đó về sau dược liệu rất dễ bị ẩm mốc. Mặt khác khi nước rút ra từ từ như vậy, các hoạt chất đã dần dần bị cô đặc (đúng vị trí) ngay trong tế bào, không gây nên các phản ứng phụ do việc mất nước truyền từ tế bào này qua tế bào khác quá nhanh. Hoạt chất và men đặc hiệu đều bị đông đặc, không gặp được nhau nên không có sự phân huỷ làm mất tác dụng.
2.3. Các phương pháp sơ chế giảo cổ lam
2.3.1. Cắt nhỏ phơi khô
- Phơi trực tiếp ngoài trời (phơi dưới ánh nắng mặt trời)
- Đây là biện pháp kinh tế nhất, đối với những nơi có khí hậu nóng và khô. Phương pháp này chỉ dùng với những vị thuốc có hoạt chất không bị ánh sáng mặt trời làm hỏng.
- Thường xếp dược liệu thành lớp mỏng trên nong, khay, liếp, hoặc trên dây, kiểu xếp này kéo dài từ vài giờ đến vài tuần tuỳ theo độ ẩm của không khí và cấu tạo của dược liệu.
- Hạn chế của phương pháp
+ Tác dụng của tia tử ngoại xảy ra đồng thời với tia hồng ngoại có thể làm h hỏng nhiều hoạt chất.
+ Ban đêm, buổi sáng có sương đọng, khi trời mưa phải che, đậy.
2.3.2. Sấy bằng không khí nóng và khô
- Ưu điểm của phương pháp này:
+ Sấy nhanh dược liệu ở các điều kiện khí hậu khác nhau.
+ Chủ động khống chế được nhiệt độ và độ thông gió, nước trong các tế bào của dược liệu được thoát ra từ từ.
2.3.3. Làm khô bằng tia hồng ngoại
- Phương pháp này dùng đèn để làm khô dược liệu
2.3.4. Làm khô ở tủ sấy nóng và tủ sâý chân không
- Đây là phương pháp tốt trong phòng thí nghiệm, nó cho phép giảm thời gian cần thiết để loại nước nên giảm khả năng gây hư hỏng dược liệu.
- Làm khô dược liệu một mặt để bảo quản, mặt khác cũng là dạng một dạng chế biến ban đầu (cắt nhỏ phơi khô). Thực ra nó là một dạng quá độ để chế ra các dạng thuốc khác: thuốc bột, thuốc sắc, cao...
2.4. Sơ chế giảo cổ lam
- Cây thu hoạch về, rửa nhanh bằng nước sạch, loại bỏ đất cát, tạp chất, để ráo nước
- Băm độ dài khoảng 2 - 3 cm, rãi đều trên bạt, phơi nắng và thường xuyên đảo đều đến khi khô, có độ ẩm đạt khoảng < 12 % là được.
- Nếu thu vào mùa mưa cần có lò sấy dược liệu, nếu để ẩm, ủ lâu dẫn tới dược liệu bị úng lầy, có màu đen, mùi nồng không đảm bảo quy định về quy cách và chất lượng dược liệu.
Hình 1: Giảo cổ lam phơi khô dưới nắng mặt trời
3. Bảo quản sản phẩm
- Yêu cầu của dược liệu trong thời gian bảo quản
+ Bảo tồn được hình thức và phẩm chất.
+ Giữ nguyên vẹn các hợp chất như khi còn là cây tươi.
- Chú ý:
+ Ánh sáng mạnh sẽ làm dược liệu mất màu hay đổi sang mầu nâu.
+ Nhiệt độ tăng làm tăng tốc độ các phản ứng hoá học trong vị thuốc, giúp cho nấm mốc, côn trùng, sâu, mọt...phát triển.
3.1. Nguyên tắc bảo quản giảo cổ lam
3.1.1. Chống ẩm ướt
+ Nước ta mưa nhiều, độ ẩm cao, rất dễ gây hỏng thuốc. Thường độ ẩm để bảo quản sản phẩm dược liệu là 65 – 70 %. Thế nhưng độ ẩm trung bình ở Việt Nam thường từ 80 – 85 %. Nhiều khi còn đạt độ ẩm tuyệt đối tới 100%. Việc chống ẩm cho các sản phẩm dược liệu rất khó khăn nhất là các dược liệu thuộc loại thuộc loại dễ hút nước nhiều.
- Để khắc phục độ ẩm cao ta có thể sử lý bằng cách:
+ Những nơi có điều kiện thiết bị, để thuốc trong phòng có máy điều hoà nhiệt độ (khoảng 200C là thích hợp) điều hoà độ ẩm, quạt thông gió.
+ Những vùng nông thôn: gói kín bằng giấy xi năng gác trên bếp hoặc đựng vào các chum, vại dậy nắp kín.
3.1.2. Chống mốc
- Vấn đề cơ bản chống mốc là chống ẩm. Dược liệu đã hút ẩm sẽ bị mốc. Nêu dược liệu bị mốc cần phơi nắng lại hay sao (tuỳ loại). Một số dược liệu có thể phun rượu rồi sao. Dược liệu bị mốc khi trời đang mưa, tốt nhất đốt lưu huỳnh xông hơi từ 24 - 48 giờ.
3.1.3. Chống sâu mọt, kiến, chuột, mối, gián
- Sát trùng kho tàng bằng hơi độc dichloroetan, chlorofierin hay SO2, hoặc bằng các thuốc sát trùng khác. Khi sử dụng các hơi độc, cần đưa hết thuốc ra ngoài, bịt hết lỗ hở, cửa kho, rồi hun thuốc vào kho. Sau đó mở cửa kho cho bay hết khí độc, mới đưa dược liệu vào. Dược liệu để trên giá, cách xa tường và nền nhà, trần nhà.
- Đối với chuột, tiêu diệt bằng bả chuột, nuôi mèo, chó, dùng cạm bẫy
3.2. Phương pháp bảo quản
- Muốn bảo quản dược liệu tốt, với số lượng lớn cần tổ chức chu đáo hệ thống nhà kho, xưởng sơ chế..
- Dược liệu được đặt trên các giá, giữa các giá nên có lối đi lại để kiểm tra thường xuyên. Trong kho, dược liệu cần sắp đặt ngăn nắp, riêng từng khu vực
- Dược liệu mốc, mọt... cần phát hiện kịp thời, phơi sấy lại ngay. Thường dược liệu chỉ tích trữ từng năm, hoặc đưa đi kịp thời để chế biến thành các dạng thuốc sẽ bảo quản được lâu hơn.
3.3. Bảo quản sản phẩm giảo cổ lam
- Bảo quản trong các kho thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo. Nếu có kho lạnh để bảo quản dược liệu càng tốt.
- Thường xuyên kiểm tra định kỳ, phát hiện các bao rách, ẩm… để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dược liệu bị hư hỏng.
4. Tiêu chuẩn của sản phẩm giảo cổ lam
Dược liệu phải khô đạt độ ẩm < 12 %. Không lẫn đất cát và các tạp chất khác, dược liệu có độ dài 2 - 3 cm, có màu xanh đẹp, mùi đặc trưng dược liệu giảo cổ lam, không bị mốc ẩm.
5. Các dạng sản phẩm từ giảo cổ lam
Trà giảo cổ lam dạng túi lọc
Hình 2: Các dạng trà giảo cổ lam túi lọc
Giảo cổ lam dạng sơ chế
Hình 3: Giảo cổ lam sau sơ chế (phơi khô)
Giảo cổ lam ở dạng viên uống
Hình 4: Các dạng viên uống giảo cổ lam
-
Thời vụ và cách chăm sóc giảo cổ lam sau khi trồng
Nắm được các kỹ thuật cơ bản về thời vụ, cách làm đất, bón phân và chăm sóc cây giảo cổ lam sau khi trồng để cây sớm thích nghi, bén rễ và phát triển nhanh nhất.
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài
- Hướng dẫn chăm sóc, bón phân và sử dụng hormone sinh trưởng cho cây hồ tiêu trong mùa khô