Phục tráng thành công giống lúa nếp cái hoa vàng
Ngày 12.11, UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức hội thảo sơ kết chương trình phục tráng giống lúa nếp cái hoa vàng xã Phú Minh giai đoạn 2015 - 2016.
Được biết, năm 2015, được sự quan tâm, giúp đỡ của Sở NNPTNT Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), huyện Sóc Sơn đã xây dựng thành công nhãn hiệu sở hữu tập thể “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” với tổng diện tích 190ha thuộc 3 xã: Tân Hưng (120ha), Phú Minh (40ha) và Bắc Phú (30ha).
Nông dân thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng trên cánh đồng xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn. Ảnh: N.L
Trước bối cảnh đó, UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa lai (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai Chương trình phục tráng giống nếp cái hoa vàng xã Phú Minh giai đoạn 2015 - 2018.
Theo báo cáo sơ kết 2 năm triển khai chương trình, kết quả vụ mùa năm 2016 vừa qua của huyện Sóc Sơn cho thấy, quần thể ruộng lúa được phục tráng có tỷ lệ đồng đều cao, số hạt chắc trên bông cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Đặc biệt, đánh giá sơ bộ năng suất lúa trên diện tích ruộng phục tráng đạt trên 1,6 tạ/sào. Trong 2 năm 2017 - 2018, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục bố trí thí nghiệm, đánh giá chọn lọc, tiến tới sản xuất lô hạt giống nguyên chủng đủ để cung cấp cho 150 - 200ha canh tác vào năm 2018.
Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, hiện toàn huyện có gần 600ha trồng lúa nếp cái hoa vàng. Do ưu thế về chất đất, lúa nếp cái hoa vàng trồng tại xã Phú Minh luôn cho năng suất và chất lượng tốt hơn hẳn. Nhờ đó, giá trị kinh tế từ giống lúa này cũng cao hơn nên nông dân Phú Minh rất phấn khởi.
Để phát huy hiệu quả kinh tế cho người nông dân trong vùng sản xuất chuyên canh giống lúa nếp cái hoa vàng, ông Nguyễn Ngọc Tân kiến nghị UBND huyện Sóc Sơn, Sở NNPTNT Hà Nội tiếp tục bố trí kinh phí, trợ giúp kỹ thuật cho Chương trình phục tráng giống nếp cái hoa vàng xã Phú Minh giai đoạn 2017 - 2018; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng phát triển vùng sản xuất; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sấy, đóng gói sản phẩm sau thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng và giá trị cao nhất cho nếp cái hoa vàng đặc sản. Phấn đấu đưa nếp cái hoa vàng trở thành thương hiệu mạnh trong kinh tế nông nghiệp huyện Sóc Sơn những năm tiếp theo.
Hải Đăng
- Nhu cầu vi lượng của cây trồng: vai trò, liều lượng và cách bổ sung hiệu quả
- Trồng Đương Quy và Ngưu Tất: Giải pháp hiệu quả cho nông dân Hưng Yên chuyển đổi cây trồng
- Hiện tượng trinh sinh quả trên cây có múi là gì?
- Kết hợp phân bón hữu cơ và phân vi sinh để quá trình canh tác đạt hiệu quả cao nhất
- Độ phì nhiêu là gì? đặc điểm độ phì nhiêu của đất
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 2)