Chuyện lạ ở Quảng Trị: Xây “nhà lầu” cho bò
Xây nhà lầu cho bò nghe có vẻ như là chuyện lạ nhưng thực tế, hàng trăm ngôi nhà kiên cố đã được người dân các huyện Cam Lộ, Hải Lăng xây dựng để tránh lũ cho trâu bò từ mấy năm gần đây.
Có nhà tránh lũ, hàng trăm hộ dân đã thoát cảnh phải cơm đùm cơm gói dắt trâu bò đi sơ tán hàng mấy ngày trời khi mưa lũ đến.
Chuồng chống lũ cho trâu bò của người dân Quảng Trị.
Đối với người nông dân, tài sản quý giá nhất là trâu bò nên bằng mọi giá, họ luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho “đầu cơ nghiệp” của gia đình trước khi lũ ập tới. Gia đình ông Trương Hải Sơn ở tại thôn Lương Điền (xã Hải Sơn - huyện Hải Lăng) có 9 con bò, kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Trong những đợt lũ vừa qua, mặc dù nước lũ tràn về rất lớn, thế nhưng nhờ có nhà chống lũ nên cả 9 con bò của ông cùng lợn, gà, vịt đều bình an vô sự.
Ông Sơn cho biết: “Do nằm ở vùng thấp trũng, lại sát bên dòng sông Ô Lâu nên chỉ cần trời mưa to liên tục là nước lũ đã dâng lên. Những năm trước, khi chưa có mô hình chuồng chống lũ cho trâu bò, cứ mỗi khi lũ tới gia đình tôi lại phải chia nhau ra, người thì lo bưng kê các vật dụng trong gia đình, người thì lo dắt trâu bò lên đồi cao, nếu không kịp di chuyển sẽ bị cuốn trôi, thiệt hại rất lớn. Đợt lũ vừa qua, dù cho nước dâng ngập tứ phía nhưng đàn bò của gia đình tôi vẫn an toàn trên “nhà lầu”, ung dung gặm rơm rạ”.
“Nhà lầu” cho trâu bò là cách gọi ví von của người dân, còn theo ông Sơn thực chất là cái chuồng được xây cao lên trên 4 mét, có 2 tầng bằng bê tông cốt thép chắc chắn. Bên dưới dùng để nuôi trâu bò lúc bình thường, khi nước lũ tràn về thì trâu bò được dắt lên tầng trên. Theo ông Sơn, việc xây chuồng chống lũ không quá khó khăn, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Nhà nào có kinh phí thì xây nhà chống lũ khoảng 30 - 60 triệu đồng, còn chưa đủ điều kiện thì xây nhà tầm 15 - 20 triệu đồng. Nhà chống lũ cho trâu bò phải đạt chiều cao tối thiểu từ 1,8 - 2,5 mét tính từ mặt đất lên tới nền tầng trên. Trung bình mỗi ngôi nhà rộng khoảng 15 - 20 mét vuông. Trên nhà chống lũ có dự trữ đầy đủ rơm rạ, thức ăn dành cho trâu bò, lợn gà trong những ngày nước lớn.
Ông Sơn cho biết: Do dự kiến sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lên từ 15 – 20 con nên ông làm chuồng chống lũ lớn hơn so với mọi người với diện tích gần 40 mét vuông. Tổng kinh phí xây dựng chuồng hết gần 60 triệu đồng. “Tôi lấy đỉnh lũ lịch sử năm 1999 làm mốc để xây chuồng. Ở tầng trên tôi còn làm giàn để dự trự thức ăn cho bò như rơm, chuối, bột sắn, bột cám… Là dân vùng lũ nên tôi còn dự trữ sẵn phèn chua để xử lý nước sử dụng cho trâu bò uống, đá liếm để bổ sung khoáng, tăng sức đề kháng cho bò. Nước lên cao thì mình dắt bò lên “lầu”, đem cả gà, lợn cùng lên luôn”, ông Sơn cho hay.
Còn tại thôn Bắc Bình (xã Cam Tuyền – huyện Cam Lộ), do nằm sát bên bờ sông Hiếu nên cứ có mưa lớn, nước trên nguồn đổ về là lại tràn qua làng. Trận lũ ngày 1/11 vừa qua được người dân đánh giá là lớn nhất trong lịch sử. Nước lên nhanh và ngập sâu từ 2 – 3m làm người dân không kịp trở tay, hầu như mọi vật dụng trong nhà đều chìm trong nước. Nhưng nhờ mô hình chuồng cao tầng vượt lũ mà đàn trâu bò hàng trăm con của người dân trong thôn vẫn “bình an vô sự” vì đã được ở nhà lầu. Người dân cũng không mất nhiều thời gian và gặp nguy hiểm để đưa trâu bò băng đồng lên vùng đồi tránh lũ như trước đây.
Ông Trần Viết Bỉnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi bò thôn Bắc Bình (xã Cam Tuyền) cho biết: Để thích ứng với điều kiện chăn nuôi bò thâm canh ở vùng thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nên từ năm 2014 đến nay toàn thôn đã có 20 chuồng trại cao tầng vượt lũ được xây dựng với số tiền từ 15 – 30 triệu đồng/chuồng. Bình thường bò được nuôi nhốt ở tầng dưới thoáng mát, tầng trên dùng để chứa cỏ, rơm… Khi mưa lũ về bò được đưa lên tầng trên và đã có sẵn thức ăn trên đó nên người dân rất yên tâm. “Trận lũ vừa qua, nếu không có chuồng chống lũ cho trâu, bò thì chắc chắn thiệt hại sẽ vô cùng lớn, bởi các xã khác gần đường lớn, có thể dắt trâu bò đi tránh lũ. Còn Cam Tuyền là rốn lũ, nước lại lên nhanh nên không kịp đi đâu được cả. Có chuồng chống lũ, chỉ cần nước lên là lùa trâu, bò lên trên nhà chỉ mất tầm vài phút, vừa đảm bảo an toàn, vừa có thời gian thu dọn đồ đạc ở trong nhà” – ông Bỉnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Hậu – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá cao các mô hình xây chuồng chống lũ cho trâu bò. Là tỉnh thường xuyên xảy ra lũ lụt thì mô hình chuồng trại cao tầng vượt lũ cho gia súc, gia cầm thực sự mang lại hiệu quả, giúp người dân yên tâm hơn để bảo vệ tài sản của mình. Tránh đươc cảnh tư thương ép giá mua rẻ trâu, bò của bà con mỗi mùa lũ về.
“Trong thời gian tới, bên cạnh các mô hình trồng cỏ kết hợp chế biến thức ăn chăn nuôi bò đang triển khai chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, xây dựng các mô hình ủ chua dự trữ thức ăn cho bò, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thâm canh”, ông Hậu cho biết.
-
Xóa sạch vụ đông: Xót xa của người dân Quảng Nam trong lũ!
Hai trận lũ liên tiếp dội xuống khiến hàng chục ha rau vụ đông ở vùng chuyên canh rau Bàu Tròn, xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam) chìm trong nước lũ...