Cây sung
Tên khoa học: Ficus racemosa
Tên đồng nghĩa: Ficus glomerata
Tên gọi khác: ưu đàm thụ hoặc tụ quả dong
Họ: Dâu tằm – Moraceae
Cây mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại những nơi đất ẩm bìa rừng, nhiều nhất là ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối.
Cây sung trồng làm cây bonsai phong thủy
1. Phân bố của cây sung
- Sung ưa thích sống tại các khu vực ẩm ướt, cạnh bờ sông suối, đôi khi trong lòng suối tại các cao độ từ 100 tới 1.700 m. Khu vực phân bố: Trung Quốc (miền nam tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam), Ấn Độ, Đông Nam Á, Nepal, New Guinea, Pakistan, Sri Lanka, Australia.
- Ở Việt Nam cây phần bố rộng khắp ở cả ba miền.
2. Đặc điểm thực vật học cây sung
- Rễ cây sung: Thuộc rễ cọc, ăn sâu dưới lòng đất. Bộ rễ phát triển khỏe mạnh có các rễ phụ tua dài và lan rộng, chịu được ngập úng vì vậy có thể trồng ở bờ ao, nơi gần nước hoặc trên các hòn non bộ.
- Thân cây sung: Cây thân gỗ cao tới 25–30 m, đường kính thân cây tới 60–90 cm; hoa đơn tính cùng gốc. Vỏ thân cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Các cành nhỏ, phiến lá non và chùm quả với các sợi lông cong xuống hay được che phủ rậm rạp bằng lông tơ mềm màu trắng. Các cành nhỏ màu nâu.
Thân cây sung có màu nâu
- Lá cây sung: Các lá kèm hình trứng-mũi mác, dài 1,5–2 cm, có màng và lông tơ. Các lá sớm rụng, mọc so le; cuống lá dài 2–3 cm; phiến lá hình elip-trứng ngược, elip hay elip hẹp, kích thước 10-14 x 3-4,5(-7) cm, dai như da, lục nhạt ở xa trục, có lông tơ khi còn non, không lông và hơi xù xì khi già, màu lục sẫm ở gần trục và nhẵn nhụi, gốc lá hình nêm hơi cùn, mép lá nguyên, nhọn đỉnh tới hơi cùn; gân bên cơ sở 2, gân thứ cấp 4-8 ở mỗi bên của gân giữa.
Lá sung hình trứng - mũi mác
- Quả cây sung: Quả mọc thành chùm trên các cành nhỏ ngắn trên thân cây già, đôi khi ở nách lá trên các cành non hay trên các cành nhỏ không lá đã già, mọc thành cặp, màu cam ánh đỏ khi chín, hình quả lê, đường kính 2-2,5 cm, phần gốc quả thu nhỏ thành cuống, lỗ chân lông trên đỉnh hình rốn, phẳng; cuống dài khoảng 1 cm; các lá bắc tổng bao hình tam giác-trứng.
Đặc điểm quả sung khi chín
- Hoa cây sung: Các hoa đực và cái cũng như vú lá mọc ra trên cùng một cây.
+ Hoa đực: các lỗ chân lông cận đỉnh, không cuống; thùy của đài hoa 3 hay 4; nhị 2.
+ Vú lá và hoa cái: có cuống nhỏ; các thùy đài hoa thẳng, đỉnh 3- hay 4-răng; vòi nhụy ở bên; núm nhụy hình chùy. Ra hoa trong khoảng tháng 5 tới tháng 7.
3. Đặc điểm sinh học của cây sung
- Để sinh trưởng và phát triển, sung yêu cầu điều kiện nóng ẩm của vùng nhiệt đới, song có tính chịu hạn và khô cũng như lạnh khá cao. Khi bị khô hạn hoặc lạnh các điểm sinh trưởng của thân, cành được bao bọc bằng các lá vảy và do đó tăng sức chịu đựng của cây. Vì vậy, cây sung phân bố rất rộng, đặc biệt ưa ẩm cả về đất lẫn không khí, phát triển tốt ở nơi có nước và độ ẩm cao, như ven hồ, sông ngòi hoặc trong bồn chậu non bộ.
- Là cây ưa sáng song sinh trưởng kém khi ánh sáng gay gắt, cường độ ánh sáng thấp khi đó lá mỏng, ít phân cành và các cành nhánh phân dài. Sung không kén đất, thích hợp với nhiều loại đất miễn là đất không bị khô hạn.
4. Ứng dụng của cây sung trong đời sống
- Quả sung mọc thành từng chùm ở thân cây có thể ăn được, người ta hay muối như muối dưa để ăn trực tiếp hoặc kho với thịt, cá.
- Lá sung non cũng thường được sử dụng trong ẩm thực khi ăn kèm với thịt chua, thịt lợn ba chỉ luộc, gỏi cá,... Lá sung tật - tức loại lá có côn trùng đẻ vào khiến các đốm sùi lên - được dùng để chữa một số loại bệnh và là thành phần trong phương thuốc lợi sữa. Quả được dùng làm chất se đường ruột, đồng thời cầm máu, tăng lực và để điều trị khí hư, rối loạn máu, cảm giác nóng, mệt mỏi, bệnh phong, rong kinh, chảy máu cam, ho khan, tắt tiếng và giun sán.
- Ngoài ra, cây sung còn là một loài cây cảnh rất phổ biến vì có dáng thân rất đẹp và bởi quan niệm từ sung gần với sung túc, hiện tại cây sung còn được sử dụng làm bonsai.
Cây sung được trồng làm cây bonsai
- Trong mâm ngũ quả ngày Tết nhiều nơi người ta xếp chùm quả sung cùng các loài trái cây khác để chưng trên bàn thờ với mục đích cầu mong sự sung túc, sung sướng cho gia đình trong năm mới.
- Nhựa sung được sử dụng để chữa các vết thương xây xát ngoài da, chữa đau đầu, áp xe vú, nhọt độc, hen, chốc lở, ghẻ ngứa.